Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội đạt mức 60.000 - 61.000 đồng/kg.
Còn tỉnh Lào Cai, Yên Bái đang được thương lái thu mua với mức thấp hơn 59.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 59.000 - 61.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 21/8/2023: Dao động từ 56.000 - 61.000 đồng/kg. Ảnh: Thế Hiển
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An giá heo hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 60.000 đồng/kg.
Cùng được thương lái thu mua với mức 59.000 là tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng.
Còn giá heo tỉnh Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận đang ở mức thấp 57.000 - 58.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 57.000 - 60.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Kiên Giang, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau, Tiền Giang, An Giang được thu mua với mức 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Trong khi đó, heo hơi tỉnh Hậu Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, Trà Vinh đạt mức 57.000 đồng/kg. Còn tỉnh Sóc Trăng đang ở mức thấp nhất cả nước 56.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 56.000 - 59.000 đồng/kg.
Đưa ngành chăn nuôi hòa nhập thế giới
Trong 7 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 277 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Đối với thịt heo, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thịt heo sữa đông lạnh với hơn 19.000 tấn, trị giá trên 18,4 triệu USD trong nửa đầu năm 2023; tăng 3,0% về lượng và tăng 17,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu thịt heo sữa đông lạnh lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu tăng 13,0% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Lào, Papua New Guinea, Malaysia. Đối với heo sống, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 21.560 con nhưng 6 tháng đầu năm 2023 chỉ xuất được 6.833 con.
Xuất khẩu thịt gia cầm trong nửa đầu năm nay đạt 75 triệu USD, tăng đột biến hơn 46% về lượng và hơn 79% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 18,87 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt gia cầm các loại, giá trị đạt 84,6 triệu USD.
Theo ông Long, mặc dù là nước có đàn gia cầm số lượng lớn thứ 2 thế giới, đàn heo lớn thứ 5 thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mới chỉ đạt hơn 400 triệu USD/năm là quá nhỏ so với nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi lên tới 3,32 tỷ USD trong năm 2022.
Nguyên nhân cơ bản là do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các quy định, quy chuẩn về vệ sinh thú y tại Việt Nam còn lỏng lẻo, chưa đạt theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Điều cốt lõi là ở Việt Nam vẫn còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người khiến các nước nhập khẩu quan ngại.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Thủ tướng ban hành Quyết định số 889/TTg ngày 25/7/2023 về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật để thúc đẩy xuất khẩu, giai đoạn 2023-2030.
Quyết định 889 đề ra mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 19 vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo quy chuẩn của Việt Nam. Trong đó, 4 vùng của tỉnh Bình Phước và 1 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Đến năm 2030, sẽ có 8 vùng của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của OIE.