Giá heo hơi hôm nay 14/9 tại miền Bắc
Theo ghi nhận, giá heo hôm nay 14/9 tại miền Bắc tiếp tục đi ngang so vơi hôm qua 13/9.
Cụ thể, tại tỉnh Thái Nguyên giá heo hơi hôm nay được thu mua với mức cao nhất toàn miền 50.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai, Nam Định, Tuyên Quang, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ giá heo đang dao động trong khoảng từ 47.000-48.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Hải Dương, Yên Bái, Ninh Bình giá heo được thu mua với mức thấp hơn từ 45.000-46.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi toàn miền Bắc hôm nay 14/9 đang dao động trong khoảng từ 45.000-50.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa.
Giá heo hơi hôm nay 14/9 tại miền Trung - Tây Nguyên
Tương tự với miền Bắc, giá heo miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục không có biến động tăng hay giảm giá so với phiên giao dịch so với hôm qua.
Cụ thể, giá heo tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đang được thu mua với mức 46.000 đồng/kg.
Các địa phương như DakLak, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận giá heo đang ở mức từ 41.000-42.000 đồng/kg.
Còn tại Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh giá heo được thu mua trong khoảng từ 31.000-34.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi toàn miền Trung - Tây Nguyên hôm nay 14/9 đang được thu mua trong khoảng từ 31.000-46.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 14/9 tại miền Nam
Theo khảo sát, giá heo hơi hôm nay 14/9 tại miền Nam đi ngang so với phiên giao dịch hôm qua.
Cụ thể, giá heo tại tỉnh Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương đang được thu mua với mức tốt từ 40.000-42.000 đồng/kg.
Các địa phương như Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Tây Ninh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang giá heo hơi hôm nay dao động trong khoảng từ 37.000-39.000 đồng/kg.
Còn tại Cà Mau, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp giá heo đang ở mức thấp hơn từ 35.000-36.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi toàn miền Nam hôm nay 14/9 được thu mua trong khoảng từ 35.000-42.000 đồng/kg.
Tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi heo an toàn sinh học và góp ý cho các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi, sáng 13/9, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2019, trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi hoành hành vào nước ta và có diễn biến phức tạp, thì tỷ lệ nhập khẩu thịt heo tăng vọt với 11,7 ngàn tấn thịt, kim ngạch nhập khẩu 22,1 triệu USD/năm, gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngay từ khi có dịch, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo cơ cấu lại ngành chăn nuôi và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản để đảm bảo lượng thịt cung ứng vào dịp cuối năm.
Hiện giờ còn một chu kỳ để phát triển chăn nuôi heo nên nếu phát triển chăn nuôi an toàn sinh học được nhân rộng ở các tỉnh thành trong cả nước thì lượng thực phẩm cung cấp vào dịp tết sắp tới sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu của xã hội.
"Tôi đã tìm hiểu một số cơ sở đã tái đàn và có hiệu quả, như ở Mê Linh, hiện giờ đàn heo đã trên 1 tạ vẫn an toàn. Hiện tại với giá heo như thế này, với những mô hình như vậy chúng ta cần nhân rộng để đảm bảo thị trường trong dịp tết", ông Tiến nói.
Số liệu mới nhất về heo nhiễm dịch tả heo châu Phi cũng cho thấy đã có 7.459 xã thuộc 639 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số heo tiêu hủy là gần 5 triệu con; với tổng trọng lượng là hơn 280 ngàn tấn (chiếm 7% tổng trọng lượng thịt heo của cả nước).
Tại Trung Quốc khủng hoảng thịt heo đã trầm trọng đến mức một số địa phương phải xả kho dự trữ đông lạnh.
Ít nhất 4 địa phương với khoảng 130 triệu dân đã phải sử dụng thịt lợn từ kho dự trữ để nỗ lực bình ổn giá và tăng nguồn cung trong bối cảnh quốc gia này sắp đón hai kỳ lễ lớn.
Hôm qua, thành phố Tế Nam, phía đông Trung Quốc trở thành địa phương mới nhất phát đi thông báo sẽ xả kho dự trữ thịt heo với khoảng 1.500 tấn, chia làm hai đợt. Đợt đầu tiên vào dịp Trung thu cuối tuần này và đợt hai trước ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10. Trước đó, tỉnh Hải Nam, Quảng Đông và thành phố Quảng Châu cũng đã mở nguồn cung thịt lợn khẩn cấp.
Dịch tả heo châu Phi đã khiến nước này mất 100 triệu con heo năm ngoái. Vì dịch bệnh, nông dân không muốn tái đàn. Điều này đã khiến nguồn cung thịt heo sụt giảm mạnh và giá mặt hàng này tại Trung Quốc tăng gần 50% so với năm ngoái. Giới chuyên gia nhận định, các địa phương xả kho thịt dự trữ cho thấy Trung quốc đang cố gắng đối phó với khủng hoảng thịt heo thế nào, nhưng động thái này có thể chưa đủ để giải quyết vấn đề. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới và thịt lợn rất quan trọng trong văn hóa ẩm thực nước này.
Chiến lược dự trữ thịt heo của Trung Quốc đã hình thành những năm 1970 như một cách để đối phó với những tình trạng khẩn cấp và ổn định giá cả khi cần thiết. Ngoài thịt được trữ trong kho đông lạnh, chính phủ Trung Quốc cũng có heo để cung cấp cho nông dân trong thời gian thiếu hụt.
Quốc gia này thường không cung cấp số liệu thịt bảo quản trong kho dự trữ. Tuy nhiên, Chen Wen, chuyên gia phân tích tại Wanlian Securities ước tính, nguồn cung này có thể lên đến hàng trăm nghìn tấn.
Dù các địa phương đã bắt đầu sử dụng kho dự trữ của riêng họ, Trung Quốc vẫn chưa động đến kho dự trữ trung ương suốt vài tháng qua. Nếu Bắc Kinh làm điều này, nó sẽ là động thái quan trọng hơn nhiều vì báo hiệu sự thiếu hụt nghiệm trọng trên toàn quốc gia.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu tăng cao vào dịp lễ tuần này, chính phủ Trung Quốc có thể thực hiện biện pháp trên. Một quan chức tại Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - đơn vị hoạch định kế hoạch kinh tế hàng đầu Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang lên kế hoạch xả kho thịt heo vào những thời điểm quan trọng trong vài tháng tới, bao gồm cả các kỳ lễ.
Hôm qua, người phát ngôn Bộ Công thương Trung Quốc cho biết, chính phủ sẽ xả kho thịt heo đông lạnh vào đúng thời điểm để đảm bảo nguồn cung ổn định trước các kỳ lễ.
Xả kho dự trữ không phải là cách duy nhất Trung Quốc đối phó với khủng hoảng thịt heo. Nước này cũng tung gói hỗ trợ trị giá 3,2 tỷ CNY (khoảng 452 triệu USD) cho các gia đình thu nhập thấp để họ có thể mua thịt heo với mức gia tăng hiện tại.
Đồng thời, Bắc Kinh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương giải ngân tiền để sử dụng cho các công nghệ thụ tinh nhân tạo như một cách để khuyến khích nông dân và nhà sản xuất nhân giống heo nhiều hơn. Nước này cũng đang thảo luận về kế hoạch tăng trợ cấp, hỗ trợ cho vay và bảo hiểm cho các đơn vị nuôi heo trong toàn quốc.
Một số kênh truyền thông tại Trung Quốc còn kêu gọi người dân ăn ít thịt heo. Dù vậy, giới phân tích cảnh báo, các giải pháp này sẽ không thể giải quyết định tình trạng khủng hoảng thịt heo ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
"Sự thiếu hụt thịt heo sẽ trầm trọng hơn trong phần còn lại của năm nay", chuyên gia Chen nói. Bà ước tính trong một nghiên cứu gần đây, Trung Quốc sẽ thiếu 10,8 triệu tấn heo năm nay và nguồn cung từ kho đông lạnh không đủ để bù đắp.