Đó là thông tin tại buổi họp báo về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân do EVN tổ chức chiều 9/11, tại Hà Nội.
Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm hơn 86,41 đồng/kWh (khoảng 4,5%), từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Với lần tăng giá điện này, cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của ngày 4/5, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm. Như vậy, đây là lần tăng giá điện thứ 2 trong năm nay.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành mới đây, EVN cho biết, chi phí sản xuất điện tính đến tháng 10/2023 tiếp tục biến động mạnh do chi phí đầu vào đang gia tăng rất mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn.
Theo số liệu của EVN giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh. Giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào cơ bản bao gồm biến động về sản lượng phát điện, biến động của giá nhiên liệu đầu vào... Như vậy, mức tăng giá trên có thể vẫn chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của tập đoàn này.
Công nhân PTC3 áp dụng công nghệ kiểm tra hệ thống điện. Ảnh: Khắc Kiên
Năm nay, giá điện đã tăng thêm 3% từ ngày 4/5 sau khi giữ giá suốt 4 năm (từ tháng 3/2019). Tuy nhiên, việc tăng này chỉ giúp doanh thu cả năm 2023 của EVN tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng.
Do đó, EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính trước diễn biến giá nhiên liệu biến động như hiện nay. Nguyên nhân là do trong cơ cấu giá thành sản xuất điện, giá thành khâu phát điện hiện chiếm tới 82,8% giá thành nên những biến động của giá thành khâu phát điện ảnh hướng rất lớn đến giá thành sản xuất điện.