Sử dụng ít càng có lợi
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn, sau khi xem xét các phương án đề xuất của đơn vị tư vấn cũng như phương án 4 bậc và 5 bậc mà Bộ Công thương đưa ra, có thể thấy phương án 4 bậc đề xuất đem lại nhiều lợi ích cho các hộ gia đình sử dụng điện ở mức độ tiêu dùng trung bình (chiếm đa số trong các nhóm khách hàng sinh hoạt).
Còn với phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, khi so sánh với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay. Những người sử dụng nhiều điện, từ 700 số trở lên, sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
Công nhân EVNHANOI kiểm tra kỹ thuật hệ thống điện. Ảnh: Hoàng Anh
Phương án này đáp ứng được tiêu chí an sinh xã hội, bởi những người sử dụng ít điện, khả năng chi trả thấp được hưởng lợi; Đồng thời, góp phần tác động đến hành vi tiêu dùng theo hướng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, khi các hộ sử dụng điện từ 700 số trở lên phải chi trả nhiều hơn so với biểu giá điện đang áp dụng.
Trả lời về phương án mới đưa ra có mức giá thấp nhất 1.678 đồng/kWh cho 100 kWh đầu tiên, đã phù hợp chưa, thay vì mức giá đó áp cho bậc thấp nhất là từ 0 - 50 kWh và mức từ 51 - 100 kWh có giá là 1.734 đồng/kWh như hiện hành?, ông Hà Đăng Sơn nhìn nhận, với mức đề xuất mới, người sử dụng ít điện sẽ được lợi hơn so với biểu giá hiện hành.
Theo số liệu được đưa ra từ năm 2020, số người dùng từ 0 - 50 số điện/tháng là hơn 1 triệu hộ; còn từ 51-100 kWh khoảng 5 triệu hộ. Tuy nhiên, đáng tiếc là các số liệu mới nhất về số lượng hộ sử dụng điện cụ thể chưa được đưa vào bản lấy ý kiến này nên chưa rõ mức độ tác động.
Với đề xuất bậc cao nhất chịu giá điện đắt nhất là từ 701 kWh, theo ông Hà Đăng Sơn là “đã phù hợp”. Bởi thực tế, đa số người dân sử dụng điện sinh hoạt trong khoảng 200 - 400kWh/tháng. Những hộ sử dụng điện từ 400-700 kWh/tháng, hay từ 701 số trở lên, thường thuộc diện thu nhập ở mức trung lưu, có khả năng chi trả.
“Hai phương án Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đều giúp đa số người dân ít bị tác động, thậm chí còn có lợi so với biểu giá hiện hành” - ông Hà Đăng Sơn nhận định.
Nên chi tiết và phân tích rõ hơn về tác động
Nhìn nhận như vậy, nhưng ông Hà Đăng Sơn cho rằng, cần có nhiều thông tin chi tiết hơn và các đánh giá tác động được phân tích rõ hơn trong dự thảo về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới của Bộ Công Thương.
Đơn cử, tác động đến từng đối tượng khách hàng sử dụng điện, theo vị này, các góp ý vẫn chỉ là phỏng đoán và lấy lại dữ liệu từ đợt lấy ý kiến năm 2020. Đồng thời cho biết thêm, hiện chưa có con số nào khác để so sánh tác động cụ thể đến các đối tượng khách hàng. Nếu có thể đưa thêm các thông tin bổ sung khác như số lượng khách, đối tượng khách bị tác động, xem hiện nay họ tiêu dùng ở mức bao nhiêu thì việc góp ý sẽ được chi tiết hơn.
"Tôi cho rằng khi đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công Thương chỉ nên đưa ra một phương án mà Bộ cảm thấy phù hợp nhất với các định hướng và ưu tiên của Chính phủ, thay vì đưa ra hai phương án như trong văn bản lấy ý kiến" - ông Hà Đăng Sơn nói và lý giải, việc chọn như vậy thì chuyên gia, nhà khoa học, người dân, cơ quan ban ngành khác khi góp ý sẽ tập trung hơn.