Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống còn 5 bậc.
Cụ thể: Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên; giá điện là 1.806,11 đồng/kWh
Bậc 2: cho kWh từ 101 - 200; giá điện là 2.167,33 đồng/kWh
Bậc 3: cho kWh từ 201 - 400; giá điện là 2.729,23 đồng/kWh
Bậc 4: cho kWh từ 401 - 700; giá điện là 3.250,99 đồng/kWh
Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên; giá điện là 3.612,22 đồng/kWh
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo Bộ Công Thương, thiết kế các bậc giá như trên nhằm giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 - 100 kWh, nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 - 700 kWh và trên 700 kWh.
Bên cạnh đó, giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh.Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 701 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
“Ưu điểm của phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn, nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa”- Bộ Công Thương cho hay.
Cũng theo Bộ Công Thương, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối.
Các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi.
Còn nhược điểm của phương án này là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.