Cụ thể, huyện Di Linh (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay giảm 500 đồng/kg xuống mức 32.600 đồng/kg. Tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê giảm 500 đồng/kg xuống dao động ở mức 32.700 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay giảm 400 dồng/kg xuống mức 33.000 đồng/kg. Tại huyện Buôn Hồ (ĐắkLắk), Ea H'leo (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay giảm 400 đồng/kg xuống dao động ở mức 33.200 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, Đắk Nông giá cà phê hôm nay giảm 500 đồng/kg xuống dao động ở mức 33.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay giảm 500 đồng/kg, hiện đang được thu mua với mức 33.200 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê toàn miền hôm nay đang dao động trong khoảng từ 32.600 - 33.200 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay 12/12: Quay đầu giảm 400 - 500 đồng/kg.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, xuất khẩu cà phê tháng 11/2019 ước đạt 109 nghìn tấn với giá trị đạt 188 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,46 triệu tấn và 2,52 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Trong tháng 11/2019, giá cà phê thế giới biến động tăng. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2020 tại Sở Giao dịch hàng hóa London tăng 80 USD/tấn lên 1.402 USD/tấn.
Cùng với xu hướng của thị trường thế giới, thị trường cà phê trong nước cũng biến động tăng trong tháng 11/2019.
So với tháng 10/2019, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.200 - 1.300 đồng/kg lên 33.500 - 33.900 đồng/kg. Giá cà phê Robusta giá FOB giao tại cảng thành phố Hồ Chí Minh tăng 80 USD/tấn lên 1.527 USD/tấn.
“Dự báo, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới theo xu hướng của cà phê thế giới và đồng thời nguồn cung cà phê của Việt Nam được dự báo giảm mạnh do người trồng cà phê giảm đầu tư cho cây cà phê và chuyển diện tích cà phê sang trồng cây trồng xen và các cây trồng khác”, Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay.
Theo cơ quan này, giá cà phê tăng do căng thẳng thương mại có dấu hiệu gia tăng khiến dòng vốn đầu cơ tháo chạy khỏi các sàn chứng khoán và đổ dồn vào các sàn giao dịch nông sản.
Giá cà phê còn có sự hỗ trợ từ tâm lý lo ngại rằng Brazil báo cáo xuất khẩu tháng 10 giảm, kết thúc chuỗi xuất khẩu tăng kỷ lục lịch sử và Việt Nam, nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, ước xuất khẩu niên vụ cà phê 2018/2019 vừa kết thúc giảm hơn 10% so với niên vụ cà phê trước đó.
Nguyên nhân là do Brazil bước vào thời kỳ mất mùa của chu kì xảy ra 2 năm một lần. Đồng thời, mức giá thấp (thấp hơn chi phí sản xuất ở một số nước trồng cà phê) trong thời gian qua buộc người trồng cà phê giảm đầu tư cho cà phê khiến sản lượng toàn cầu giảm.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cũng dự báo toàn cầu sẽ thiếu hụt 0,5 triệu bao cà phê thay vì dư thừa như báo cáo trước đó do ước tính tiêu thụ toàn cầu tăng. Nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta cũng có xu hướng tăng do thị trường cà phê hòa tan mở rộng sang các nền kinh tế mới nổi. Nguồn cung giảm trong mùa vụ tới trong bối cảnh tiêu thụ toàn cầu tăng kéo giá cà phê tăng lên.