Theo ghi nhận, giá heo hơi tại miền Bắc đang ở mức cao nhất cả nước, cụ thể: tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên báo giá lên tới 80.000 - 81.000 đồng/kg. Tỉnh Yên Bái, Ninh Bình giá heo vẫn được thu mua với mức cao 77.000 đồng/kg. Còn tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Nam, Nam Định giá heo đang dao động trong khoảng từ 72.000 - 75.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá heo tại tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Thuận đang được thu mua từ 70.000 - 74.000 đồng/kg. Các địa phương như Ninh Thuận, Quảng Nam, Đak Lak, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Bình giá heo dao động ở mức thấp hơn từ 63.000 - 68.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá heo tại Bến Tre, Long An, Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Nai... đang dao động trong khoảng từ 72.000 - 74.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long giá heo được thu mua từ 70.000 - 71.000 đồng/kg.
Dự báo giá heo hơi ngày mai 9/12: Sẽ tiếp tục tăng cao?
Như vậy, đúng như dự báo của người chăn nuôi, trong khi nguồn cung ngày càng thu hẹp, giá heo hơi tại các tỉnh thành phía Bắc đã chạm mốc 80.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỉ lục mà thị trường heo hơi trong nước nhiều năm nay không chạm tới.
Nhận định về thị trường thời gian tới, nhiều người chăn nuôi lẫn thương lái đều cho rằng, trời đang bắt đầu trở lạnh ở miền Bắc lẫn miền Nam, tạo điều kiện cho dịch bệnh, đồng thời, nguồn cung tại các hộ chăn nuôi nhỏ đang ngày càng giảm nên giá heo hơi có thể không dừng ở mức giá 80.000 đồng.
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mới đây cũng đưa ra dự báo giá heo hơi sắp tới sẽ tiếp tục tăng cao, do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng cao đợt cuối năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tí 2020.
Theo thống kê của đơn vị này, trong tháng 11, giá heo hơi miền Bắc tăng 10.000-11.000 đồng/kg. Trong khi đó, miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi tăng 15.000-16.000 đồng/kg. Cùng chung xu hướng, thị trường phía Nam cũng tăng mạnh từ 13.000-15.000 đồng/kg.
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản đánh giá, nguyên nhân của sự tăng giá đột biến trên, khiến giá heo hơi đang cao kỉ lục nhiều năm qua là do nguồn cung giảm bởi dịch tả châu Phi.
Đồng thời, thị trường có hiện tượng "găm hàng" làm tăng giá, nhất là những hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi hầu hết các doanh nghiệp lớn đều đã chốt đơn hàng và hạn chế "độ mở" của chuồng trại, tránh lây lan mầm bệnh.
Đáng chú ý, do tác động của nhiều nguyên nhân như sợ dịch, tranh thủ mức giá cao nên nhiều người chăn bán sớm hơn so với thông thường, cũng tác động đến nguồn cung thịt heo chung.
Vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi nên kéo dài thời gian nuôi heo tại chuồng.
Trước đây, heo nuôi từ 25-26 tuần thì xuất bán. Tuy nhiên, trước tình hình nguồn cung dự báo thiếu hụt khoảng 200.000 tấn heo hơi trong 3 tháng trước, trong và sau Tết, ngành chăn nuôi cho rằng nên nuôi trên 30 tuần để sản lượng thịt tăng 20-30%.
Theo Bộ Nông nghiệp, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất, vừa có lãi cho người chăn nuôi vừa giúp tăng nguồn cung.
Song song đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phùng Đức Tiến cũng khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có điều kiện đảm bảo an toàn sinh học có thể tái đàn, để đảm bảo nguồn cung trong nước thời gian tới. Tuy nhiên, không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các hộ gia đình nhỏ lẻ, không đảm bảo được an toàn sinh học.