Theo ghi nhận, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc không thay đổi. Cụ thể, tại các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ giá heo ở mức rất cao từ 87.000 - 88.000 đồng/kg. Tại Yên Bái, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Ninh Bình, Thái Bình giá heo dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Còn tại Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang giá heo được thu mua với mức 75.000 - 77.000 đồng/kg.
Tương tự với miền Bắc, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đi ngang. Cụ thể, các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng giá heo dao động trong khoảng từ 80.000 - 83.000 đồng/kg. Tại Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Nam, Đak Lak, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận giá heo được thu mua với mức thấp hơn từ 70.000 - 75.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Định giá heo đang ở mức 68.000 đồng/kg, đây là địa phương có giá thấp nhất cả nước.
Tại miền Nam, giá heo hơi hôm nay giữ ổn định so với hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Bến Tre, Hậu Giang giá heo hôm nay ở mức lần lượt là 78.000 đồng/kg và 76.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại như Cà mau, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bạc Liêu giá heo dao động từ 70.000 - 75.000 đồng/kg.
Dự báo giá heo hơi ngày mai 7/3: Xu hướng tăng trở lại?
Tính từ đầu tháng 3 này, giá heo hơi tại một số địa phương ở phía bắc đã tăng hơn 10.000 đồng/kg, lên mức 85.000 - 86.000 đồng/kg, có nơi hiện mức giá 90.000 đồng/kg. Những gì đang xảy ra trên thị trường đang đi ngược lại nỗ lực kìm giá của các nhà quản lý.
So giá heo hơi đang được bán tại Công ty cổ phần chăn nuôi C.P VN (C.P VN) và Dabaco với giá 73.000 - 75.000 đồng/kg với giá heo hơi tại thị trường tự do phía bắc lúc này đã chênh nhau 10.000 - 12.000 đồng/kg. Hay có thể nói, thương lái mua tại trang trại với giá 75.000 đồng/kg, đưa ra khỏi cổng bán lại với giá 85.000 đồng/kg, đã bỏ túi 10.000 đồng/kg, tương đương 1 triệu đồng/con 100 kg. Một chuyên gia chăn nuôi thuộc thành viên Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam tính toán, giá heo hiện tại từ chuồng trại đến khi thành miếng thịt cho người tiêu dùng chế biến đang bị chênh lệch giá từ 25 - 45% do phải qua rất nhiều khâu trung gian như: thương lái, giết mổ, vận chuyển, bán tại chợ sỉ, đưa về chợ bán lẻ mới đến tay người tiêu dùng.
“Heo đưa ra khỏi cổng trại chăn nuôi được thương lái cộng thêm 15%, chi phí giết mổ thêm 5%, rồi thương lái vận chuyển ra chợ đầu mối, pha lóc cộng thêm 15%, về chợ bán lẻ tăng thêm 10%... Như vậy, giá heo hơi tăng lúc này với nhà chăn nuôi không hưởng lợi bằng thương lái và khâu phân phối”, vị này cho biết.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết nhiều lời đồn đoán hiện tượng gom heo hơi, đẩy giá heo hơi rục rịch tăng là do mua để xuất đi Trung Quốc. Nhưng theo ông, hiện xuất khẩu chính ngạch chưa được, xuất tiểu ngạch hiện tại hầu như không thể do dịch cúm Covid-19. Về nghịch lý không xuất đi được, sản xuất và đi học trong nước vẫn chưa trở lại nếp sống bình thường, vậy tại sao lại có hiện tượng gom hàng?
Ông Công cho rằng: “Đây là lúc thị trường đang “ngấm đòn” do các trang trại bị thất thoát lượng heo lớn chưa tái đàn kịp, lượng heo nái bị tiêu hủy trong kỳ dịch lớn khiến heo để tái đàn cung không có. Theo các chuyên gia chăn nuôi, một con heo nái một năm sinh được khoảng 27 - 28 con heo thịt, phải nuôi mất 24 tuần tuổi mới đạt trọng lượng 100 kg để xuất chuồng. Đặc tính sinh học về chu kỳ sinh sản, sinh trưởng và giới hạn tiềm năng di truyền về năng suất của vật nuôi không cho phép nông dân chủ động tăng giảm sản lượng trong một thời gian ngắn. Đó là lý do heo bắt đầu có dấu hiệu khan hàng.