Fed tăng lãi suất: Đô lên, vàng xuống
Chiều ngày 14/12 (rạng sáng 15/12 theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25% (từ 0,5% lên 0,75%). Thị trường tài chính toàn cầu ngay sau đó đã có phản ứng, rõ nhất ở việc USD tăng, còn giá vàng chạm đáy.
Thông điệp phát đi từ Fed đã khiến cho giá đồng bạc xanh tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác. Theo đó, đồng yên Nhật giảm giá 0,7%, euro giảm giá 0,6%, nhân dân tệ (Trung Quốc) giảm hơn 0,3%... so với USD. Chỉ số Dollar Index cũng tăng lên mức 102,1 điểm. Lợi suất trái phiếu ngắn hạn của Bộ Tài chính Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 năm qua.
Việc Fed tăng lãi suất thêm 0,25% nằm trong dự đoán của giới tài chính. |
Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm ngày 15/12 được NHNN điều chỉnh tăng 11 đồng lên mức 22.135 đồng/USD so với ngày trước đó. Theo đó, tỷ giá trần các NHTM áp dụng cho ngày 15/12 là 22.799 đồng/USD, tỷ giá sàn là 21.471 đồng/USD. Sở Giao dịch NHNN giữ nguyên giá mua vào USD ở mức 22.300 đồng/USD, giá bán niêm yết thấp hơn mức giá trần 50 đồng - mức 22.749 đồng/USD. Các NH tăng giá mua - bán đồng USD thêm 10 - 50 đồng. Trong phiên giao dịch sáng 15/12, Vietcombank tăng 50 đồng chiều mua và 40 đồng chiều bán, lên mức 22.700 - 22.770 đồng/USD. Tương tự, BIDV niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 22.700 đồng/USD - 22.780 đồng/USD; VietinBank là 22.690 - 22.780 đồng/USD. Khối các NHTMCP cũng bám sát thị trường với giá niêm yết phổ biến ở 22.670 - 22.790 đồng/USD.
Ngược chiều với USD, giá vàng thế giới lao dốc từ mức 1.162 USD/ounce rơi xuống 1.135 USD/ounce trước khi phục hồi nhẹ lên 1.142,43 USD/ounce lúc 11 giờ 30 sáng ngày 15/12. Như vậy, chỉ trong hơn một tháng qua, giá vàng mất gần 80 USD/ounce, mất khoảng 143 USD/ounce trong vòng nửa năm qua, tương đương 11,19%. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại các NH, giá vàng thế giới tương đương 31,39 triệu đồng/lượng.
Trong nước, thời điểm 8 giờ 30 phút tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ngày 15/12 ở mức 35,9 - 36,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 250 ngàn đồng/lượng so với giá vàng chốt giao dịch hôm qua. Cùng thời điểm, tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC niêm yết vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36 - 36,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100 ngàn đồng mỗi lượng so với giá vàng chốt giao dịch hôm qua.
Tuy nhiên đến đầu giờ chiều ngày 15/12, giá vàng lại có xu hướng giảm khi Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội với mức mua vào 35,80 triệu đồng/lượng, bán ra 36,25 triệu đồng/lượng. Cuối ngày, chốt phiên giao dịch giá vàng giảm mạnh, chỉ còn 35,60 - 36,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hơn 5 triệu đồng/lượng.
Nhà đầu tư không nên nóng vội
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia tài chính cho rằng: Mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện nay là khá lớn (dao động khoảng 1 triệu đồng là hợp lý). Chính sự chênh lệch đó sẽ tạo ra sự bất ổn trong thị trường vàng, nên trong thời gian tới rất có thể sẽ có biến động khó lường. Chuyên gia khuyến cáo việc đầu tư vàng giai đoạn này phải hết sức thận trọng.
Các chuyên gia cũng đều nhận định đây là thời điểm chín muồi cho hành động tăng lãi suất của Fed. Bởi kể từ khi hạ lãi suất xuống mức gần 0% năm 2008, đây mới là lần thứ hai Fed tăng lãi suất. Trước đó, kể từ tháng 6/2004 đến tháng 6/2006, tổng cộng Fed đã tăng lãi suất 17 lần. Tăng trưởng của kinh tế Mỹ cũng đã ở mức cao, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Các chuyên gia cho rằng, trong năm 2016, đáng lý Fed phải tăng lãi suất nhiều lần nhưng cơ quan này còn chần chừ. “Một phần bởi họ muốn xem xét tình hình kinh tế của Mỹ đi về đâu, phần khác Fed cũng không muốn ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dẫn tới việc trì hoãn tăng lãi suất” - một chuyên gia cho biết.
Với TS. Nguyễn Trí Hiếu, ông cho rằng việc tăng lãi suất lần này của Fed đối với nền kinh tế Việt Nam không có nhiều thuận lợi. Hiện lãi suất USD trên thị trường thế giới đã được tăng, lãi suất trả cho USD khoảng 0,75 - 1%, trong khi Việt Nam vẫn giữ lãi suất tiền gửi USD bằng 0%. Điều này có thể dẫn tới sự dịch chuyển của USD từ Việt Nam ra nước ngoài. Thêm nữa, lãi suất tăng gây áp lực thêm cho tỷ giá, nếu không có sự điều chỉnh tỷ giá thì sẽ bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. “Đó là còn chưa tính tới vấn đề nợ công. Trong tương lai nếu Chính phủ phải vay nợ nước ngoài bằng USD sẽ phải trả lãi suất cao hơn” - vị này chia sẻ.
Việc Fed tăng lãi suất thêm 0,25% nằm trong dự đoán của giới tài chính. Song yếu tố bất ngờ là Chủ tịch cơ quan này cũng mở ra cơ hội sẽ có thể nâng tiếp lãi suất 3 đợt vào năm 2017. Điều này khiến giới đầu cơ và đầu tư trên thế giới hiện tại khá hoang mang. Chính điều này là nguyên nhân lớn khiến nhà đầu tư bán tháo vàng, khiến giá vàng lao dốc.
Phân tích sâu thêm, ông Hiếu cho rằng vấn đề cần được nhìn nhận là đường lối về chính sách, kinh tế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khác biệt với Fed. Theo chuyên gia này, Tổng thống Trump và bà Janet Yellen không có đồng thuận trong nhiều điểm, nên chưa biết việc Fed tăng lãi suất có được Chính phủ của Donald Trump chấp nhận hay không. Thực tế là trong họp báo hôm qua, bà Yellen có tuyên bố Fed luôn luôn có tư thế độc lập với Chính phủ Mỹ. Sự giằng co giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Fed trong năm tới có thể bù trừ cho việc Fed muốn tăng lãi suất. Song diễn biến ra sao thì vẫn cần phải chờ đợi.
Sự biến động của đồng USD trên thế giới khiến cho các DN trong nước lo lắng và e ngại tỷ giá sẽ tăng theo trong thời điểm còn lại của năm và đầu năm 2017. Tuy nhiên, có thể thấy, so với các đồng tiền chủ chốt khác, mức giảm của VND với USD chưa đáng kể. Điều này phần nào phản ánh sự tin tưởng vào giá trị đồng Việt Nam ngày càng được nâng cao.