Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Gian nan đường về mệnh giá
Trong số các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, hai mã cổ phiếu có mức giao dịch dưới mệnh giá lâu nay là SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHBank) và NVB của TMCP Quốc Dân (NCB). 5 phiên gần nhất, SHB giao dịch ở mức 8.300 - 8.600 đồng/CP.
Tính chung cả quý, giá cổ phiếu này đã giảm 6,59%. Còn NVB, 1 tháng gần đây, cổ phiếu này chỉ quanh quẩn ở mức giá 7.000 - 8.000 đồng/CP. Từ khi niêm yết đến nay, cổ phiếu này đã giảm 26,79% giá trị. Trên sàn UpCom, LPB của Ngân hàng TMCP Liên Việt quanh quẩn ở 9.500 đồng/CP trong vòng 1 tháng qua. Tính chung cả tháng, giá LPB giảm 2,06%, từ khi lên HNX, cổ phiếu này mất 15,36% so với giá ngày đầu giao dịch trên UpCom.
Đến 30/6/2018, cho vay khách hàng của VIB cũng tăng 9,3% đạt 86.248 tỷ đồng; của Ngân hàng Quân đội (MB) là 11%... Với dư địa khiêm tốn còn lại, việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2018 chắc chắn sẽ vẫn là cái đích không dễ dàng của hai ngân hàng này. |
Thoát số phận long đong dưới mệnh giá nhưng cổ phiếu nhiều ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn như Sacombank, Techcombank, Eximbank… cũng không khá hơn. Sau giai đoạn “vật đổi sao dời”, giá STB của “ông lớn” một thời Sacombank chỉ ở mức trên mệnh giá một chút, từ 11.300 - 12.000 đồng/CP trong tuần gần nhất. Trong vòng 1 tháng, STB giảm 2,55% về giá, cả quý giảm 4,58%, 1 năm giảm 2,14% và từ khi niêm yết đến nay, giá cổ phiếu này giảm 8,36% giá trị.
Cổ phiếu EIB của Eximbank cũng giảm 3,45% trong quý gần nhất. Trên thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC), giá cổ phiếu các ngân hàng như PVCombank, DongABank…vẫn đì đẹt ở mức một cốc trà đá, từ 4.000 - 5.500 đồng/CP.
Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), trước đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng được xem là dẫn dắt thị trường đi lên, còn giờ ngược lại, nhóm này dẫn dắt thị trường đi xuống. Đây chính là tác nhân khiến cho thị trường giảm rất mạnh từ giai đoạn tháng 4 cho đến tháng 8 năm nay.
|
Giao dịch tại Ngân hàng Quân đội. Ảnh: Nha Trang |
Cạn room tín dụng, lợi nhuận ngân hàng khó bứt phá
Dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm tương đối khả quan, tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2018 của các ngân hàng được dự đoán vẫn khó bứt phá do dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều. Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN giao cho các ngân hàng thương mại là 14%. Mới đây, với việc ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chất lượng tín dụng thì hy vọng được nới “room” (hạn mức tăng trưởng tín dụng) của các ngân hàng gần như không còn.
Đến hết tháng 6/2018, nhóm các ngân hàng đã và đang dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm. Đơn cử, TPBank đã tăng trưởng ở mức 14%, LienVietPostBank tăng 13%, MB tăng 11%, VIB và Vietcombank tăng từ 9 - 12%... Theo lãnh đạo LienVietPostBank, tín dụng không đứng yên, sẽ có những khoản cho vay đến hạn, theo đó dư nợ tăng trưởng cho vay giảm và bù lại, ngân hàng sẽ có các khoản tín dụng mới từ nay đến cuối năm.Dù vậy, có thể thấy, với mức tăng trưởng tín dụng tối đa 14% theo quy định của NHNN, dư địa tăng trưởng kênh này của các ngân hàng không còn nhiều.
Giải trình gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) của TPBank nêu rõ, nguyên nhân chính giúp lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2018 là do đẩy mạnh hoạt động cho vay với mức tăng trưởng tín dụng 14% tính đến cuối tháng 6/2018. Dù đã hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm nhưng cái đích 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2018 vẫn là thách thức đối với TPBank khi room tín dụng gần cạn.
Có thể thấy, việc “hãm phanh” cho vay trong khi tín dụng vẫn là kênh mang lại doanh thu và lợi nhuận chủ yếu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2018 của các ngân hàng. Điều này sẽ làm giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt một thời này. Theo đó, giá cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ khó bứt phá trong các tháng cuối năm 2018.