Thị trường chứng khoán (TTCK) ngày 25/3 ghi nhận toàn bộ 13 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá, mất 1,29 điểm (tương đương 1,79%) . Tổng khối lượng giao dịch là 17,816,792 đơn vị cổ phiếu. Giá trị giao dịch đạt gần 338 tỷ đồng. Điều hiếm thấy ở nhóm cổ phiếu ngân hàng nằm trong “Top 5” khi cùng nhau mất điểm. Đó là các mã cổ phiếu: VCB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - HOSE), BID (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - HOSE), TCB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam - Techcombank - HOSE), CTG (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - HOSE), VPB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng - HOSE).
Điều nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay không phải là cổ phiếu ngân hàng sẽ lên hay xuống, mà bao giờ Vn-Index quay đầu trở lại |
Với nhiều nhà đầu tư, cổ phiếu ngân hàng luôn nhận nhiều “tín nhiệm”, vì mang đến lợi nhuận kỳ vọng cào mà hệ số an toàn hơn hẳn các loại cổ phiếu khác. Chẳng hạn như: Bất động sản, xây dựng hay chứng khoán. Độ hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng thể hiện ở chỗ chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) = 2,421; chỉ số giá trên thu nhập một cổ phiều (P/E) = 16.3; chỉ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) = 1%; chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) = 16%. Nếu dùng chỉ số P/E để so sánh với các ngành chứng khoán, hàng không, công nghệ, xây dựng, dịch vụ du lịch, dược phẩm, thép, nhựa, phân bón… thì cổ phiếu ngân hàng chiếm ưu thế hơn.
Ngân hàng VCB cho biết, trong thời gian tới ngân hàng này sẽ tập trung triển khai ba trụ cột trọng tâm trong hoạt động kinh doanh. Đó là các mảng dịch vụ - bán lẻ, kinh doanh vốn và đầu tư. Đối với hoạt động dịch vụ, VCB đẩy mạnh phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đối với khối bán buôn, VCB sẽ xây dựng và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới nhiều tiềm năng như dịch vụ quản lý dòng tiền, dịch vụ liên quan tới thị trường nợ, sản phẩm cho vay hợp vốn, dịch vụ lưu ký chứng khoán.
Còn ở khối bán lẻ, ngân hàng này sẽ đưa ra các sản phẩm trọn gói bán gộp/bán kèm với các khách hàng cá nhân là chủ doanh nghiệp (DN); Triển khai các giải pháp thu phí tự động, quản lý thu phí, thu phí theo gói dịch vụ. Mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử. Xây dựng và triển khai dự án chuyển đổi ngân hàng số, nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển dịch vụ ngân hàng thông minh…
Đối với hoạt động kinh doanh vốn và đầu tư, VCB tập trung hiệu quả sinh lời của hoạt động đầu tư. Giữ vững thị phần của Vietcombank trong các lĩnh vực giao dịch trái phiếu Chính phủ, kinh doanh ngoại tệ. Đa dạng hóa danh mục và rút giảm dư nợ đối với DN hiệu quả thấp.
Ngoài ra, VCB sẽ cơ cấu lại danh mục tín dụng theo hướng rút giảm dư nợ DN có tình hình tài chính suy giảm, khách hàng có lãi suất thấp và hiệu quả tổng thể không cao, các nhóm khách hàng có tính chất tư nhân, gia đình với tỷ lệ tài sản bảo đảm thấp. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ trung dài hạn…
Cổ phiếu ngân hàng 100% nhuộm “sắc đỏ” |
Theo đánh giá các chuyên gia tài chính, kinh tế Việt Nam trong đà tăng trưởng tích cực, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7,08% trong khi lạm phát trong tầm kiểm soát dưới 4%. Hoạt động xuất nhập khẩu dự báo vẫn khả quan, đầu tư FDI thuận lợi. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt; định hướng tín dụng tập trung vào khu vực sản xuất hạn chế vào các lĩnh vực rủi ro cao. Đây là cơ hội tốt để các ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng.
Tuy nhiên, cơ hội không dành cho tất cả mà chủ yếu rơi vào nhóm ngân hàng lớn, với lợi thế cạnh tranh cao. Còn các ngân hàng nhỏ, có quy mô tài sản (nguồn vốn) ở mức thấp thì có thể là nguy cơ. Vì, nguồn vốn yếu sẽ ảnh hưởng đến giới hạn cấp tín dụng cho các đối tác lớn.
Cho nên, các ngân hàng nhỏ vẫn phải “chạy đua” tăng quy mô vốn, nhất là nâng cao vốn chủ sở hữu (VCSH - vốn điều lệ), để đáp ứng các quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước. Việc ngân hàng nhỏ huy động vốn khó khăn là vì thiếu kênh huy động, thương hiệu chưa phổ biến, mạng lưới ít (khó khăn trong vấn đề tiếp cận khách hàng tiềm năng, cũng như mức đánh giá tín nhiệm của các tổ chức quốc tế thấp, dẫn đến hoạt động thanh toán quốc tế kém hiệu quả). Ngoài ra, dư nợ TTCK, BĐS và XD nhiều, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng nhỏ. Gánh nặng nợ xấu mà các ngân hàng “Top dưới” đang phải xử lý cho đến nay có phần bắt nguồn từ các mảng cho vay này…
Thực tế cho thấy đợt tăng điểm kéo dài của Vn-Index vừa qua có sự đóng góp tích cực của giới đầu cơ. Họ tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, nhất là với các cổ phiếu ngân hàng. Nhưng có lẽ tâm lý lo ngại nguồn vốn sẽ “cạn kiệt” đã chặn đứng cuộc đua xác lập “đỉnh mới” cho thị trường.
Điều nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay không phải là cổ phiếu ngân hàng sẽ lên hay xuống, mà bao giờ Vn-Index quay đầu trở lại?