Hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Agribank, VIB, Đông Á… đã bất ngờ thông báo giảm lãi suất huy động.
Cụ thể, Vietcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng với mức 0,2%/năm, còn 4,3%/năm, kỳ hạn 2 tháng giảm 0,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng lãi suất giảm 0,3%/năm, từ mức 5,1%/năm xuống còn 4,8%/năm. Kỳ hạn 6 tháng cũng giảm xuống 5,3%/năm, trước đó là 5,4%/năm.
Trong khi đó, Agribank giảm lãi suất kỳ hạn 1, 2, 3, 4 và 6 tháng với mức giảm từ 0,1-0,5%/năm. BIDV thì giảm lãi suất kỳ hạn 13 tháng với mức giảm 0,05%/năm. Tuy nhiên ngân hàng này lại tăng lãi suất kỳ hạn 18 tháng với mức tăng 0,05%/năm.
Ngân hàng Đông Á giảm lãi suất hầu hết các kỳ hạn từ 1 tuần đến 13 tháng với mức giảm từ 0,1-0,3%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là kỳ hạn 9 tháng với mức 0,3%/năm, còn các kỳ hạn khác phổ biến ở mức từ 0,1-0,2%/năm.
Sau khi giảm, mức lãi suất phổ biến áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm.
Các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm. Các kỳ hạn dài hơn, từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng là động thái tích cực nhằm tiết giảm chi phí, phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Mặt khác, việc giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp trong thời gian qua cũng giúp tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay.
Trong khi đó các ngân hàng cho biết việc giảm lãi suất dựa trên cơ sở cân đối lại tình hình thanh khoản, đặc biệt tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại từ tháng 7 âm lịch đến nay. Do vậy một số ngân hàng trước đây đã áp dụng lãi suất khá cao nay điều chỉnh lại cho phù hợp với mặt bằng chung.