Chiều 19/12, trong Hội nghị Tổng kết hai năm thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh, loại hình này đã mang lại sự lựa chọn mới cho người dân tiện ích hơn và cũng mang lại luồng gió mới, kinh nghiệm quản lý với các cơ quan chức năng.
Theo thống kê của Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) hiện tại có 4/5 địa phương chính thức tham gia thí điểm gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Tp.HCM. Có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử. Tổng số hiện có trên 800 đơn vị vận tải với trên 36.000 phương tiện tham gia thí điểm.
Bộ GTVT: Tuyệt đối không để Uber, Grab hoạt động như hiện nay
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng trong 2 năm thực hiện thí điểm xe hợp đồng điện tử đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, được người dân đón nhận, ủng hộ khi thấy được lợi ích thiết thực, giảm chi phí khi đi lại.
Tuy nhiên ông Thọ thẳng thắn chỉ ra, việc quản lý về loại hình taxi công nghệ này còn nhiều bất cập, hoạt động còn chưa rõ ràng, chưa đủ những điều kiện cụ thể nên nhiều đơn vị lợi dụng để làm xáo trộn, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là cần phải làm rõ chủ thể kinh doanh, chủ thể cung cấp công nghệ Uber, Grab, cần kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh ở Việt Nam. "Phải tôn trọng Việt Nam, đóng góp, có trách nhiệm về tài chính ở Việt Nam mới được hoạt động, đảm bảo cuộc chơi công bằng", ông Thọ nhấn mạnh.
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, xe hợp đồng điện tử phát triển rất nhanh nên quy định pháp luật điều chỉnh chưa kịp.
Uber, Grab nói là cung cấp ứng dụng công nghệ nhưng hoạt động giống taxi khi Uber, Grab quyết định giá cước chứ không phải đơn vị vận tải sử dụng ứng dụng của họ quyết định giá cước.
Ông Lâm cho biết hiện nay TP.HCM vẫn chưa xác định được xe hợp đồng điện tử là loại hình gì để đưa vào quy hoạch phương tiện, vì thế đề nghị cho các tỉnh thành chốt số lượng được phép hoạt động của các đơn vị tham gia thí điểm để phù hợp với hạ tầng.
Theo ông Lâm, Grab đã được TP.HCM chấp thuận hoạt động trong khi Uber vẫn chưa được chấp thuận triển khai thí điểm vì chưa đảm bảo các nội dung trong đề án thí điểm. Tuy vậy, hiện nay Uber vẫn hoạt động mà chưa có chế tài xử lý.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu cho Chính phủ theo hướng tạo môi trường kinh doanh vận tải có điều kiện và các đơn vị tham gia phải tuân thủ các điều kiện này. "Con tàu chỉ đi trên đường ray, nếu đi "trật" phải tuýt còi ngay. Thời gian tới, sẽ có những quy định ngặt nghèo, cụ thể hơn", Thứ trưởng Thọ nói.
Nghị định thay thế Nghị định 86 trong tháng 12 này Bộ trình Chính phủ sẽ có riêng một chương đề cập đến tất cả các vấn đề bất cập hiện nay. Tuy chưa phải tuyệt đối, nhưng sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để xây dựng Luật Giao thông đường bộ phù hợp với xu thế phát triển.
Hướng sửa Nghị định 86, điều kiện kinh doanh giữa xe hợp đồng và xe taxi phải "gần" nhau, trong đó mạnh dạn tính phương án đưa điều kiện kinh doanh xe hợp đồng và xe taxi ngang nhau sẽ giúp công tác quản lý chặt chẽ hơn, tạo sự công bằng trong kinh doanh vận tải.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, thời gian tới phải thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đối với Uber, Grab; cần thiết yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.