Ngày 18-8, Bộ Công thương đã chính thức công bố báo cáo gửi Thủ tướng trước phản ứng gay gắt của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô đòi bãi bỏ thông tư 20/2011.
Theo đó, Bộ Công thương khẳng định trước thời điểm thông tư 20/2011 được ban hành, ở VN thường xuyên xảy ra tình trạng một số chủng loại phương tiện (chủ yếu xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống) được nhà sản xuất triệu hồi trên toàn thế giới để khắc phục lỗi nhưng không được triệu hồi ở VN.
Vì vậy Bộ Công thương đã ban hành thông tư 20/2011 yêu cầu thương nhân nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (loại chưa qua sử dụng) phải nộp bổ sung “Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất” hoặc “hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất kinh doanh”.
Bên cạnh đó là “Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện” do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Bộ Công thương khẳng định thông tư 20/2011 không được ban hành để "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu", mà là "nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ".
Việc áp dụng thông tư 20, Bộ Công thương đánh giá “đã triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm đối với người tiêu dùng nói riêng và toàn xã hội nói chung của một số nhà nhập khẩu, phân phối ôtô trước đây”.
Nhắc tới các ý kiến phản đối thông tư 20/2011, Bộ Công thương chính thức phản bác ý kiến cho rằng thông tư này là điều kiện kinh doanh vì bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền "bỏ vốn đầu tư" thành lập tổ chức kinh tế để kinh doanh ôtô mà không cần phải tuân thủ thông tư 20.
Bộ Công thương cho rằng thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính, nếu thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này sẽ không thể hoàn thành thủ tục nhập khẩu. Bộ Công thương dẫn ra nhiều thủ tục tương tự như: giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch động thực vật...
Với cáo buộc thông tư 20/2011 vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay quyền lựa chọn của người tiêu dùng, Bộ Công thương nêu thông tư 20/2011 là một thủ tục hành chính áp dụng chung cho mọi thương nhân nhập khẩu, không vi phạm quy định nào của Luật cạnh tranh.
“Thông tư 20 không chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu để buộc người tiêu dùng phải mua ôtô tại doanh nghiệp đó. Việc doanh nghiệp có được giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền chính hãng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý không can thiệp vào quá trình này” - Bộ Công thương nhấn mạnh.
Trên thực tế, văn bản của Bộ Công thương nêu sau khi có quy định trên, rất nhiều doanh nghiệp đã tự hoàn thiện để đáp ứng các tiêu chí của hãng sản xuất và có được giấy ủy quyền để tham gia nhập khẩu ôtô.
Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải, vào năm 2012 (sau khi ban hành thông tư 20) số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ôtô đã giảm mạnh từ 539 về còn 58 doanh nghiệp. Tuy nhiên đến năm 2015, con số này đã tăng lên thành 314 doanh nghiệp.
Thông tư 20/2011 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật đầu tư 2014. thông tư 20 cũng không bị bất kỳ thành viên WTO nào phản đối.
Không những thế, thông tư 20 còn được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước ủng hộ bởi từ khi thông tư 20 ra đời, thị trường ôtô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã trở nên trật tự và nề nếp hơn.
Tuy nhiên, Bộ Công thương thừa nhận thông tư 20 tuy không trái luật nhưng chưa phải là giải pháp toàn diện nhất. Vì vậy, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng:
Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì ban hành quy định có tác dụng tương đương thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Bộ Công thương chỉ bãi bỏ thông tư 20/2011 khi các quy định do Bộ Giao thông vận tải ban hành chính thức có hiệu lực.