Bia chai và bia lon Hà Nội, một thương hiệu bia bình dân của Habeco vốn chiếm thị phần lớn ở thị trường phía Bắc với phương thức truyền thông đánh vào tâm lý người tiêu dùng như một sản phẩm mang đậm nét văn hóa của người Hà Nội. Tuy nhiên, thị trường lại ghi nhận sự sụt giảm về thị phần của Habeco trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nhà sản xuất.
Khảo sát tại các nhà hàng, quán nhậu tại Hà Nội, các chủ nhà hàng cho biết khách hàng đã có nhiều sự lựa chọn hơn nên bia Hà Nội không còn là sự lựa chọn hàng đầu. Trong khi đó, nhiều khách hàng cho biết, việc sản phẩm của Habeco được sản xuất tại các tỉnh khác như: Bia Hà Nội – Mê Linh, Bia Hà Nội – Nghệ An, Bia Hà Nội – Hải Phòng… đã khiến cho sản phẩm không còn giữ được hương vị truyền thống. Đó có thể là nguyên nhân khiến Habeco không còn giữ được vị thế độc tôn tại thị trường miền Bắc, cho dù Tổng Công ty không tiếc tiền cho các chiến dịch quảng bá hình ảnh.
Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp hơn, bia chai Trúc Bạch Classic cũng gặp khó trong việc định vị thương hiệu trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại.
So sánh về thị phần của các hãng lớn chiếm thị phần chủ chốt tại Việt Nam, như Nhà máy bia Đông Nam Á (thuộc tập đoàn Carlsberg), Sabeco, APB (Heieken, Tiger, Larue), và Habeco trong giai đoạn từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2016 cho thấy có sự sụt giảm liên tục về thị phần của Habeco theo từng tháng.
Cụ thể, thị phần của Habeco giảm nhẹ 0,5% trong tháng 1/2016 so với tháng trước đó, nhưng lại giảm mạnh 5% so với tháng 1/2015. Xét về mức độ hiệu quả của kênh phân phối dựa trên mức độ bán hàng của điểm bán (Weighted distribution), Habeco cũng là nhà sản xuất duy nhất ghi nhận con số âm so với cùng kỳ năm 2015.
Xét theo từng khu vực, tại Hà Nội và Hải Phòng, nơi được coi là thị trường truyền thống của Habeco, cả thị phần cũng như hiệu quả của kênh phân phối của Habeco cũng bị sụt giảm trong tháng 1/2016 so với tháng 12/2015 và giảm mạnh so với tháng 1/2015 (bảng).
Tại Habeco, cổ đông nhà nước vẫn đang nắm giữ 81,79% vốn điều lệ, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương xây dựng phương án bán tiếp cổ phần tại Habeco và Sabeco, bảo đảm hiệu quả cao nhất, từ đó rút bài học kinh nghiệm cho việc bán vốn tại các doanh nghiệp khác. Dự kiến toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco (khoảng 9.000 tỷ đồng) sẽ được thoái trong năm 2016.