Lo ngại trên được nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đưa ra tại cuộc họp mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia rượu nước giải khát (VBA) về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho hai Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Mới đây Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã đề nghị truy thu của Habeco trên 920 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt. Cũng giống như câu chuyện của Sabeco cách đây một năm trước, KTNN đã đưa ra cách tính thuế TTĐB khác so với cơ quan thuế hướng dẫn, đã gây ra nhiều bức xúc cho DN.
Cả Bộ Tài chính và KTNN đều cho rằng, việc áp dụng cách tính thuế theo đề nghị của KTNN là nhằm bịt lỗ hổng về thuế, ngăn chặn tình trạng các DN lách luật, trốn thuế. Bởi trên thực tế, cả hai DN bia là Habeco và Sabeco đều xây dựng hệ thống các công ty con phân phối. Việc lập ra nhiều tầng nấc trung gian được xem là có dấu hiệu để chuyển giá, giúp giảm số tiền phải nộp thuế TTĐB.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, việc hai DN bia xây dựng hệ thống phân phối là làm theo chỉ đạo của Bộ chủ quản là cần xây dựng hệ thống thương mại để tăng phân phối. Việc thu thuế có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách, nhưng đây là những DNNN đang chuẩn bị được đưa lên sàn, bán vốn, nên việc truy thu thuế sẽ rất ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
“Nhiều nhà đầu tư hỏi thì tôi nói không biết thông tin. Nước ngoài họ rất thông minh, họ mua rất sát giá, dù rất quan tâm đến doanh nghiệp, nhưng các chính sách cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Cũng là để bảo vệ bình đẳng cho các cổ đông là nhà nước và tránh tác động của chính sách khi tới đây DN lên sàn thì giá trị của DN có thể bị ảnh hưởng” – ông Việt lo ngại.
Cũng bày tỏ lo ngại chính sách thuế này có thể tác động đến nhiều DN, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng không thể nói chuyện các DN lách luật ở đây. Bởi trong giai đoạn hoàn thiện pháp luật, việc có lỗ hổng là bình thường và khi đó, DN lách luật thì không thể cho rằng có vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, trước đây DN đã được cơ quan thuế hướng dẫn, nhưng sau đó Bộ Tài chính lại yêu cầu phải theo kết luận kiểm toán, ông Cương đặt ra câu hỏi: “Vậy trước đây cơ quan thuế thuế kết luận sai?” và cho rằng nếu hướng dẫn sai thì cơ quan chức năng phải chịu hậu quả và có trách nhiệm.
Còn đối với KTNN, cũng đã thanh kiểm tra trong thời gian dài, nhưng tại sao lại không truy thu mà đến nay mới truy thu? Theo ông Cương, không thể cơ quan Nhà nước muốn nói thế nào cũng được và đó là thể hiện sự cửa quyền.
Theo đó, ông Cương cho rằng hiện Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, nên trước khi chờ Thủ tướng có kết luận về vụ việc này thì doanh nghiệp không phải nộp thuế. Cũng bởi, vấn đề này còn liên quan đến quyền lợi của cổ đông.
“Tôi không bảo vệ cái sai, nếu Sabeco và Habeco và Vinataba mà sai thì tôi đề nghị xử nghiêm, nhưng theo nhìn nhận của tôi về vụ việc này thì doanh nghiệp không sai. Tôi nghĩ chủ trương vừa rồi đưa Habeco và Sabeco lên sàn thì đây là bài toán nan giải vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc lên sàn của 2 doanh nghiệp này” – ông Cương lo ngại.