Theo ghi nhận của PV, tại nhiều bệnh viện, số bệnh nhân nhập viện do mắc tay chân miệng vẫn khá cao. Mới đây, tại Đắk Lắk vừa có trường hợp tử vong do tay chân miệng. Bệnh nhân mới 25 tháng tuổi, trú khối 1, thị trấn Krông Kma, huyện Krông Bông.
Bệnh nhân này khởi phát bệnh từ ngày 12/11 với triệu chứng sốt cao liên tục, nổi vài mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, quấy khóc và hay giật mình vào ban đêm, người nhà tự mua thuốc chữa trị cho bé nhưng không đỡ.
Ngày 15/11, gia đình đưa bé đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tay chân miệng phân độ 2B, nhóm 1. Sau đó 1 ngày thì bé đã bị tử vong.
Tay chân miệng không có vắc- xin phòng bệnh nên nên chủ yếu phòng bệnh thụ động (Ảnh Minh họa). |
Ghi nhận của PV, tại bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Xanh-Pôn, bệnh viện Bạch Mai… trời chuyển lạnh, rất nhiều trẻ phải nhập viện do dịch bệnh. Một số bệnh hay gặp như cúm, ho gà, tay chân miệng, sởi… khiến trẻ nhập viện rất nhiều. Các bác sĩ cho hay, thời tiết giao mùa cũng là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, các bệnh truyền nhiễm tăng, đặc biệt là tay chân miệng.
Các bác sĩ cho biết, bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện ban đỏ, mụn phỏng ở tay, chân và miệng. Đặc biệt, trong miệng xuất hiện các nốt đỏ, sau đó có thể loét và lan ra cả môi, cả lợi. Bệnh tay chân miệng có thể kèm theo sốt nhẹ, một vài trường hợp có triệu chứng đau họng, tiêu chảy nhẹ. Thể nặng có thể sốt cao, giật mình, nôn, bỏ bú, trường hợp nặng có thể khó thở, suy hô hấp.
Trước tình trạng bệnh nhân mắc chân tay miệng gia tăng, vì nôn nóng về tình trạng bệnh của con, nhiều người đã tin vào dịch vụ truyền dịch với hy vọng con sẽ chóng khỏi. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc làm này vô cùng nguy hiểm.
Trẻ mắc tay chan miệng không nên truyền dịch (Ảnh minh họa). |
Theo GS.TS. Phạm Nhật An - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh thường là nhẹ và biến chứng không nhiều, nhưng nếu ở thể nặng, biến chứng, có thể gây tử vong và để lại di chứng nặng, nhất là di chứng thần kinh.
“Tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch (chỉ truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ) vì sẽ không cần thiết bởi dinh dưỡng bổ sung qua đường ăn bằng miệng sẽ tốt hơn. Trẻ bị tay chân miệng rất hay bị phù phổi cấp và suy tim cấp nên truyền dịch sẽ rất nguy hiểm”, bác sĩ An khuyến cáo.
Các bác sĩ cho hay, tay chân miệng không có vắc- xin phòng bệnh do đó chủ yếu vẫn là phòng bệnh thụ động, giảm nguy cơ phơi nhiễm. Nếu có trường hợp bị tay chân miệng, cần cách ly tốt để tránh lây sang cho các trẻ em khác. Khi cho trẻ ăn, cần cho trẻ ăn thức ăn mềm như súp, sữa và tuyệt đối không không được để thức ăn nóng sẽ làm cho miệng trẻ vốn bị loét sẽ dễ đau.