Thứ 6, 22/11/2024, 06:28 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Vệ sinh tai cho trẻ không đúng cách có thể gây thủng màng nhĩ

Vệ sinh tai cho trẻ không đúng cách có thể gây thủng màng nhĩ
(Tieudung.vn) - Nhiều cha mẹ sử dụng tăm bông vệ sinh tai cho trẻ nhưng không đúng cách gây nguy hiểm cho trẻ.

Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Nhi đồng Toàn quốc ở Hoa Kỳ cho thấy trong khoảng thời gian 21 năm từ năm 1990 đến năm 2010, đã có khoảng 263.000 trẻ em được điều trị tại bệnh viện vì các chấn thương liên quan đến vật dụng đặt vào tai: khoảng 12.500 trẻ em mỗi năm, 34 trường hợp mỗi ngày. 

Vệ sinh tai cho trẻ không đúng cách có thể gây thủng màng nhĩ

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ở Anh, có khoảng 7.000 người được điều trị cho các trường hợp cấp cứu vì vật dụng đặt vào tai mỗi năm.

Các chấn thương phổ biến nhất trong ngoáy tai là dị vật tai, cảm giác có thứ gì đó bị mắc kẹt trong tai (30%), thủng màng nhĩ (25%) và chấn thương mô mềm (23%). Một số ít trường hợp gây tổn thương chuỗi xương con trong tai, trong đó, rất hiếm sẽ tổn hại cho xương bàn đạp, từ đó có thể gây ra vấn đề về thăng bằng. Trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp có thể dẫn đến mất hoàn toàn thính giác.

Phần lớn các chấn thương trong tai khi ngoáy tai xảy ra do sử dụng tăm bông để làm sạch tai (73%), chơi với tăm bông (10%) hoặc bị ngã khi có tăm bông trong tai (9%). Trong đó, hầu hết các thương tích xảy ra khi trẻ em đang tự sử dụng tăm bông (77%).

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện An Việt, việc dùng bông tăm, các dụng cụ lấy ráy tai là nguyên nhân dẫn tới các chấn thương tai ở trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng thủng màng nhĩ do bông tăm, dụng cụ lấy ráy tai.

Tai là một khu vực cực kỳ nhạy cảm, nên khi đưa một vật thể lạ vào tai nếu không cẩn thận có thể khiến bộ phận này bị tổn thương, đôi khi còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính giác.

PGS An từng cấp cứu 1 bệnh nhi 3 t.uổi thường được mẹ lấy ráy tai bằng bông tăm. Khi nhìn thấy hộp bông tăm, bệnh nhi đã lấy và cho vào tai. Trong lúc vui chơi, cháu bé bị ngã và chiếc tăm bông xuyên thủng mang nhĩ.

Bác sĩ An cho biết còn có nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn, tổn thương màng nhĩ, chuỗi xương con hoặc tai trong có thể dẫn đến chóng mặt, các vấn đề về thăng bằng và mất thính lực không hồi phục.

PGS An cho rằng nhiều người quan niệm ráy tai bẩn nhưng thực chất ráy tai lại có nhiều .

Ráy tai có tác dụng làm sạch, bảo vệ, bôi trơn ống tai. Ráy tai được tạo thành ở 1/3 ngoài ống tai là nơi ống tai có 1 lớp da bao phủ với các tuyến mồ hôi, tuyến bã, tuyến ráy tai và lông, cũng chính hệ thống lông ở đây sẽ giúp tai tự làm sạch ráy.

Vệ sinh tai cho trẻ không đúng cách có thể gây thủng màng nhĩ

PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân. Nguồn ảnh: BVAV

Trong ống tai, chỗ nối 1/3 ngoài và 2/3 trong của ống tai chính là vị trí hẹp nhất, dễ mắc kẹt dị vật, dễ tổn thương nhất. Do đó việc sử dụng tăm bông để ngoáy làm sạch không chỉ đẩy ráy tai vào gần màng nhĩ, mà còn có nguy cơ gây thương tích cho tai từ nhẹ đến nghiêm trọng. Làm sạch quá mức tai của bạn, nó có thể gây kích ứng ống tai và dễ bị nhiễm trùng.

Chỉ có một tỷ lệ nhỏ khoảng 1/10 trẻ em và 1/20 người lớn bị tích tụ ráy tai quá mức thì cần sự can thiệp của nhân viên y tế.

Bác sĩ có thể làm sạch tai bằng một kĩ thuật sử dụng ống tiêm bơm nước vào tai để đẩy ráy tai trôi ra ngoài theo nước.

Ngoài ra, có thể các bác sĩ sử dụng một thiết bị nhỏ để hút ráy tai ra khỏi tai dưới hướng dẫn của nội soi hoặc kính hiển vi.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, khi dùng bông ngoáy tai cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

- Phụ huynh phải vệ sinh đúng cách và sát trùng tay sạch sẽ trước khi ngoáy tai cho trẻ.

- Bông ngoáy tai không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Khi trẻ gặp nước, vẫn có thể dùng. Tuy nhiên, cần thao tác hết sức nhẹ nhàng tránh gây trầy xước ống tai của trẻ.

- Hết sức cẩn thận vì khi dùng bông ngoáy tai, trẻ có thể hất tay phản ứng hay mọi người xung quanh tác động vào có thể gây thủng màng nhĩ. Màng nhĩ của trẻ có thể bị thủng dưới áp lực nhẹ, dù chỉ là chiếc tăm bông đơn thuần.

- Khi tắm cho trẻ nên cố gắng không để nước rơi vào tai trẻ. Nếu trẻ có ráy tai, khó lấy phụ huynh nên nhỏ chút nước muối sinh lý trước đó từ 2-3 ngày. Làm cách này khi ráy tai mềm sẽ tự chảy ra ngoài hoặc nếu lấy sẽ dễ dàng hơn, trẻ không bị đau rát.

- Khi trẻ đang bị viêm tai giữa cấp không nên ngoáy tai vì sẽ gây đau đớn, ảnh hưởng đến tai trẻ.

Tags:
3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.65105 sec| 796.133 kb