Anh Nguyễn Văn Hồng (Đại Thanh, Hà Nội) là quản lý một nhà hàng Karaoke. Do đặc thù công việc, anh thường xuyên đưa con ra nhà hàng cùng mình. Những lúc vắng khác, hai bố con thường cùng một vài người bạn vào phòng hát để giải trí
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói cho tới một ngày, anh Hồng phát hiện con có biểu hiện lạ về thính giác. "Giọng cháu lúc nào cũng oang lên. Cháu leo lên cầu thang cũng nói rất to còn bố mẹ nói nhỏ nhỏ là cháu có dấu hiệu không trả lời. Thậm chí, xem điện thoại bé cũng mở to hết cỡ” - anh Hồng chia sẻ.
Đưa con đi đo thính lực tại Bệnh viện An Việt, vợ chồng anh Hồng ngỡ ngàng khi bác sĩ cho biết bé bị giảm thính lực do ô nhiễm tiếng ồn, mà cụ thể là do thường xuyên được bố cho vào phòng hát karaoke.
Chia sẻ trên Infonet, PGS TS Nguyễn Thị Hoài An – Nguyên Trưởng khoa Tai mũi họng trẻ em Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết, thói quen cho con đi ra quán hát karaoke với bố mẹ có thể khiến trẻ bị giảm thính lực vĩnh viễn.
PGS TS Nguyễn Thị Hoài An – Nguyên trưởng khoa tai mũi họng trẻ em Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa An Việt cho biết, các cuộc nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng, bạn có nguy cơ bị suy giảm thính giác do tiếng ồn trong phòng kín karaoke gây ra. Lý do được đưa ra là, việc hát qua micro sẽ được khuếch đại lên trên nền nhạc, tạo ra mức độ tiếng ồn lên tới 95 đề xi ben. Như vậy, kết quả nghiên cứu trên đã xác định được: khi bạn trải qua 2 tiếng trong phòng karaoke thì thính giác sẽ giảm tới 8 đề - xi- ben, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nghe sau này.
PGS TS Nguyễn Thị Hoài An. Nguồn ảnh: BVAV
Khi tiếp xúc với những âm thanh của quán hát, cường độ âm thanh đã lên tới 115 đề-xi-ben. Trong khi đó mức độ chịu đựng của tai chỉ là 80 đề-xi-ben.
Cường độ âm thanh lên tới 115 đề- xi- ben hoàn toàn gây hại tới tế bào lông tai trong, thậm chí làm cho tế bào lông bị chết, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thính giác.
Không chỉ vào phòng hát karaoke mà giới trẻ hiện nay thường nghe rất to để lấy cảm giác thích thú, hưng phấn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc thính lực bị tra tấn rất nặng nề.
PGS An gặp một số trường hợp có những biểu hiện như ù tai hay chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, hoa mắt, mệt mỏi toàn thân… nhưng không biết bệnh gì. Đến khi đi kiểm tra tổng thể mới phát hiện đó là do chấn thương âm thanh cấp tính. Những biểu hiện này biến mất sau vài giờ nhưng cũng có thể kéo dài vài ngày hoặc để lại di chứng về thính lực và thần kinh. Thính giác của họ giảm dần, rồi đưa tới điếc hoàn toàn.
Với những người làm việc trong môi trường âm thanh lớn cần chủ động để thính lực của mình được nghỉ ngơi ví dụ sau nửa tiếng có thể nghỉ 5 - 10 phút. Với trẻ nhỏ, không có trẻ tiếp xúc với khu vực âm thanh lớn quá lâu, thường xuyên và không cho trẻ đeo tai nghe vì khó hiệu chỉnh được âm thanh lớn hay nhỏ.