Chỉ biết uống, không nhớ thuốc gì
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, phản ứng đầu tiên và thường gặp nhất sau khi dùng thuốc là dị ứng. TS Đoàn cho biết mỗi tuần, trung tâm tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị dị ứng thuốc đến khám và điều trị, trong đó khoảng 20% có các biểu hiện nặng như sốc phản vệ, hồng ban đa dạng. Đáng nói là có một số lượng lớn bệnh nhân bị dị ứng do tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
Thói quen tự ý cho con uống thuốc khiến nhiều trẻ bị dị ứng, nguy hiểm đến tính mạng (ảnh minh họa). |
Cụ thể, theo kết quả cuộc khảo sát mà Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng từng thực hiện cho thấy hơn 60% bệnh nhân do tự dùng thuốc không theo đơn của bác sĩ. Ngoài ra, phần lớn bệnh nhân không biết mình được sử dụng những loại thuốc nào, tác dụng và độc tính ra sao. Chỉ có khoảng 24% bệnh nhân có thể nhớ và kể được hết tên các loại thuốc mà mình đã sử dụng và 44% không biết, không nhớ mình đã dùng thuốc gì.
Tương tự, tại khoa Dị ứng – miễn dịch lâm sàng, BV Nhi trung bình mỗi tháng cũng gặp 3-4 trường hợp bị dị ứng với thuốc. Ths. BS Nguyễn Ngọc Quỳnh Lê, Khoa Miễn dịch, Dị ứng cho biết, một thực trạng đáng báo động hiện nay là việc tự ý dùng thuốc của người dân. Trong đó, không ít bố mẹ thấy con bị sốt, hoặc đơn giản là thấy con lười ăn… là ra cửa hàng thuốc mua thuốc kháng sinh, thuốc bổ về cho con uống.
“Có những em bé đến viện trong tình trạng toàn thân đỏ lựng, lớp da bên ngoài bong tróc, bị viêm kết mạc mắt chỉ chậm chút nữa trẻ rất có khả năng mù mắt. Khi chúng tôi hỏi gia đình thì hầu hết các bậc phụ huynh đều cho biết tự mua thuốc cho con uống. Cá biệt có gia đình cho con uống tới 5- 7 loại thuốc mà không hề nhớ là những thuốc gì. Có nhà mang được vỏ thuốc đến nhưng lại cũng không trọn vẹn cả vỉ mà được cắt ra từng viên khiến bác sĩ rất khó khăn trong việc xác định trẻ bị dị ứng với thuốc nào” - BS Quỳnh Lê nhấn mạnh.
Không tự ý dùng thuốc
Các chuyên gia cho biết dị ứng thuốc chia làm ba loại. Phản ứng tức thì, nặng nhất là phản ứng phản vệ mà biểu hiện lâm sàng thường gặp là sốc phản vệ - bệnh nhân hốt hoảng, lo lắng, vã mồ hôi, tay chân lạnh, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, ngưng tim, nếu cấp cứu không kịp thời có thể tử vong trong vòng một vài phút.
Nhẹ hơn thì có thể phản ứng trên da: ngứa, nổi mẩn đỏ da (có thể khu trú tại chỗ hoặc lan ra toàn thân). Phản ứng chậm hơn ở ngoài da sau vài giờ đến vài ngày như hội chứng Stevens - Johnson, hội chứng Lyell - bong da, tróc niêm mạc toàn thân, bệnh nhân cũng có thể tử vong sau đó vì nhiễm trùng da và nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, còn có nhiều triệu chứng như uống thuốc xong bị rối loạn tiền đình, suy thận, mất tế bào máu...
Theo BS Lê thì đối với trẻ em dị ứng với thuốc là nguy hiểm nhất, bởi tiến triển bệnh rất nhanh, chỉ 1- 2 ngày có thể tổn thương toàn bộ lớp da bên ngoài, nổi phỏng nước, bong trợt, các vùng mắt, mũi, bộ phận sinh dục loét trầm trọng, những tổn thương này nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng máu khiển trẻ tử vong.
Do đó, để phòng ngừa dị ứng khi sử dụng thuốc, BS Quỳnh Lê cho biết, các bậc phụ huynh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị cho con. Trong trường hợp đi khám, các bậc phụ huynh cũng nên thông báo với bác sĩ các thuốc mình đã bị dị ứng hay phản ứng trước đó (nếu biết).
Không nên lạm dụng thuốc và đặc biệt không tự mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa. Trong trường hợp bố mẹ thấy da con có những nốt đỏ hoặc có bất thường ngoài da (đỏ da, nổi sẩn đỏ, hoặc ngứa ngáy) thì phải đi khám ngay tránh để nặng mới đưa đến viện.