Bệnh nhân cho biết có tiền sử đái tháo đường tuýp 2, phát hiện từ năm 2007 nhưng không quản lý bệnh, không khám thường xuyên, đường huyết kiểm soát không tốt.
Trước khi vào viện, thấy hai bàn chân thường xuyên tê bì, "kiến bò" và bỏng rát gan bàn chân nên bệnh nhân đã dùng túi chườm nóng giúp bàn chân dễ chịu. Sau khi chườm liên tục bàn chân bị bỏng.
Tuy nhiên, bệnh nhân không đến bệnh viện khám mà tự ý dùng thuốc kháng sinh, bôi thuốc xanh methylen. Tình trạng hai bàn chân ngày càng nặng, chảy dịch mủ nên mới đến bệnh viện thăm khám.
Nam bệnh nhân bị loét bàn chân do biến chứng đái tháo đường. (Nguồn ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực kết hợp với sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết, cắt lọc tổ chức hoại tử, chăm sóc vết loét bàn chân.
Các bác sĩ cảnh báo thời gian qua đã tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng túi chườm, thuốc nam, thuốc lá... để ngâm, đắp lên chân, tay với mục đích làm giảm cảm giác tê bì chân tay, kích thích ngủ ngon. Thế nhưng với người bệnh đái tháo đường, khi có biến chứng tê bì bàn chân không nên chườm ấm, chiếu đèn hay ngâm chân vào nước nóng vì cảm giác không chính xác rất dễ bị bỏng và loét.
Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu bàn chân bị loét, sưng hay chỉ là những mụn phỏng nước nhỏ… cũng phải đi khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết ngay để được điều trị toàn diện biến chứng bàn chân.
Các nghiên cứu mới đây cho thấy tỉ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là hơn 7%, tương đương hơn 5 triệu người. Số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%.
Hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; gần 40% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận...
Dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.
Để phòng chống biến chứng bàn chân ở người bị đái tháo đường, các bác sỹ khuyên bệnh nhân phải có thói quen kiểm tra sức khỏe, kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ, không bỏ qua các dấu hiệu bất thường.
Khi xuất hiện dấu hiệu bàn chân tê bì, phải đi khám ngay tại những cơ sở y tế có chuyên môn tin cậy. Đây là dấu hiệu sớm nhất của biến chứng ở bàn chân. Với những vết thương dù rất nhỏ, người đái tháo đường cũng cần đến chuyên khoa để xử lý.