Axit béo thiết yếu Omega-3 là gì?
Mẹ bầu cần chú ý dinh dưỡng khi mang thai. Nguồn ảnh: Internet
Omega-3 là một họ axit béo không bão hòa đa chuỗi dài. Cũng giống như một số loại vitamin và khoáng chất, chúng cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển. Tuy nhiên, cơ thể không thể tự sản xuất chúng, vì vậy chúng ta phải tiêu thụ Omega-3 thông qua chế độ ăn uống hoặc bổ sung. Omega-3 thường là chất bị thiếu hụt nghiêm trọng trong nguồn cung cấp thực phẩm.
Nghiên cứu chỉ ra rằng hai loại omega-3 có lợi nhất là EPA (axit eicosapentaenoic) và DHA (axit docosahexaenoic). Mặc dù EPA và DHA tự nhiên xuất hiện cùng nhau và hoạt động cùng nhau trong cơ thể, nhưng mỗi axit béo lại có những lợi ích riêng biệt.
Các lợi ích sức khỏe được ghi nhận của EPA và DHA bao gồm hỗ trợ cho trái tim khỏe mạnh, não và chức năng nhận thức, khả năng vận động khớp, sức khỏe mắt, da và tóc khỏe mạnh, và phản ứng miễn dịch khỏe mạnh.
Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, những lợi ích của omega-3 EPA và DHA bao gồm hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của não, mắt và hệ thần kinh của thai nhi, cân nặng và chiều dài thai kỳ khỏe mạnh, phát triển hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Tầm quan trọng của DHA đối với sản phụ và thai nhi
DHA là thành phần không thể thiếu đối với phụ nữ mang thai và thai nhi trong giai đoạn thai kỳ. Việc cơ thể thiếu hụt DHA khi mang thai dẫn đến mẹ bầu có nguy cơ sinh non, xuất hiện hiện tượng tiền sản giật, ngoài ra còn gia tăng khả năng mắc bệnh trầm cảm sau sinh, gặp các vấn đề về mãn kinh, bệnh lý về tim mạch, bệnh loãng xương.
Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh, việc không được cung cấp đủ DHA cần thiết trong giai đoạn thai kỳ có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng và hen suyễn; ngoài ra cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ, giảm mức độ thông minh, chậm phát triển hơn so với trẻ được cung cấp đầy đủ DHA.
Thực phẩm giàu hàm lượng Omega-3
Omega-3 có nhiều trong lượng mỡ cá và hải sản là các động vật thích ăn tảo, sinh vật phù du. Ngoài ra, omega-3 còn tìm thấy nhiều trong các hạt lanh, dầu lanh, dầu cải, dầu thực vật, rau lá xanh, tảo biển, bồ công anh, rau sam, các loại thực phẩm dạng hạt…
Trẻ có thể được cung cấp omega-3 tự nhiên từ nguồn sữa mẹ. Để giúp con yêu thích thực phẩm cung cấp nhiều omega-3 như cá, các mẹ hãy bắt đầu cho con làm quen với những món ăn được chế biến từ cá ngay khi còn nhỏ. Hãy cho trẻ ăn những loại cá có hàm lượng omega-3 cao như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi…