Trước đó, bé N.K.A.D được gia đình đưa vào BV Nhi Đồng 2 cấp cứu trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân. BS Huỳnh Thị Ánh Tuyết, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (HSTCCĐ) BV Nhi Đồng 2, cho biết sau khi thăm khám, chụp X-quang và siêu âm tim, các bác sĩ cấp cứu loại trừ nguyên nhân do tim, phổi, mà nghi ngờ bé bị ngộ độc. Bé nhanh chóng được làm xét nghiệm máu, kết quả thật bất ngờ khi nồng độ Methemoglobin trong người bé rất cao, lên đến 30% (trong khi bình thường nồng độ chất này trong hồng cầu chỉ từ 0-3%).
Khai thác thông tin nhanh từ gia đình, các bác sĩ được biết sáng cùng ngày, gia đình có cho bé uống bột mài từ sừng tê giác, do một người bạn cho để chữa sốt co giật cho bé. Sau đó, vì thấy bé bị sốt, các đầu ngón tay bị xanh tím nên cha mẹ bé vội vàng đưa con đi cấp cứu.
Nhận định bé đã bị tình trạng Methemoglobin máu do uống bột sừng tê giác, các bác sĩ đã nhanh chóng cho bé thở máy, truyền dịch duy trì dấu hiệu sinh tồn, sử dụng than hoạt tính để hấp phụ độc chất, thay máu và áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ khác. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng ngộ độc đã thuyên giảm, bé được cai máy thở, môi và các đầu chi đã hồng hào trở lại, hoạt động chức năng cơ quan bình thường và đã được chuyển đến Khoa Nội tổng hợp để được theo dõi và điều trị tiếp.
Thông tin chuyên môn từ BS-CK2 Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc cho hay: Methemoglobinemia là một rối loạn máu hình thành là do sắt hoá trị 2 của hemoglobin (trong hồng cầu bình thường) bị hoá thành sắt hoá trị 3, không còn khả năng vận chuyển oxy, gây thiếu oxy mô dù độ bảo hòa oxy trong máu động mạch vẫn bình hường. Tình trạng này xảy ra sau khi trẻ tiếp xúc với một số loại thuốc, hóa chất, thực phẩm...
Nồng độ Methemoglobin trong máu từ 15-30% gây tím môi và đầu chi, ăn uống kém, lừ đừ nhức đầu, chóng mặt, từ 30-50% có thể gây lơ mơ, mất ý thức tạm thời, khó thở… Khi nồng độ này từ 50-70%, bệnh nhân có thể bị hôn mê, co giật, gặp các vấn đề về thận hoặc nhịp tim bất thường. Nếu nồng độ Methemoglobin trong máu trên 70% nguy cơ tử vong rất cao.
Theo BS Lộc, hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều phụ huynh lan truyền thông tin về công dụng chữa bệnh thần kỳ của sừng tê giác. Tuy nhiên đến nay, khoa học chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có thể điều trị được bệnh sốt co giật và các bệnh lý khác. Ông khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tin vào những bài thuốc đồn thổi, vô căn cứ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con em mình.