BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc cho biết, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn T. (56 tuổi, Sơn La) nhập viện hôm 1/8 trong tình trạng nguy kịch, tụt huyết áp, hôn mê sâu do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp (methanol).
Gia đình bệnh nhân cho biết, ông T. vốn nghiện rượu, mỗi ngày đều uống khoảng nửa lít rượu. Tuy nhiên tối 1/8, sau bữa rượu buổi chiều ông T. bỗng nhiên kêu đau đầu, nhìn mờ. Khi được đưa đến BV Đa khoa Mộc Châu bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê và được chuyển đến BV Bạch Mai ngay sau đó.
“Hình ảnh chụp sọ não cho thấy bệnh nhân bị tổn thương não rất nặng, gia đình xin đưa người bệnh về chỉ sau 1 ngày nhập viện”, BS Nguyên cho biết.
Rượu trắng pha cồn khiến người uống dễ bị rơi vào tình trạng hôn mê, tổn thương não. |
Hai trường hợp khác cũng ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp đều đang trong tình trạng hôn mê, tổn thương não. Thời gian điều trị kéo dài mà chưa thể đưa ra tiên lượng tốt cho người bệnh bởi ngộ độc methanol quá nặng.
Theo đó, bệnh nhân nam (54 tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến Trung tâm ngày 31/7 có hàm lượng methanol trong máu đến 35,8 mg/dL (bình thường, hàm lượng trên 20mg/dL đã là rất nặng).
Bệnh nhân khác 52 tuổi ở Hải Dương, sau một ngày thấy mệt, ăn uống kém, đã xuất hiện khó thở tăng dần, lơ mơ gọi hỏi không biết, xuất hiện cơn co cứng toàn thân. Kết quả xét nghiệm hàm lượng methanol trong máu rất cao tới 163mg/dL.
“Cả hai bệnh nhân đều đang hôn mê, thở máy, tổn thương não nặng khó đưa ra tiên lượng có cứu được hay không, mức độ phục hồi như thế nào sau tổn thương não trầm trọng”, BS Nguyên chia sẻ.
Hình ảnh chụp CT sọ não cho thấy não bệnh nhân bị tổn thương nặng vì ngộ độc rượu methanol. Ảnh: H.Hải |
Cũng theo các bác sĩ, tất cả các trường hợp ngộ độc methanol đều uống rượu trắng không rõ nguồn gốc bị pha cồn công nghiệp với mục đích hạ giá thành. Bởi trong rượu tự nấu sẽ có thành phần này nhưng rất ít và không thể gây ngộ độc nặng đến vậy.
Để phòng ngộ độc rượu, các bác sĩ khuyên người dân nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kể cả rượu nấu ở trong làng, trong xã cũng phải rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ bị trộn cồn công nghiệp.
Việc trộn rượu nấu với methanol cũng làm kéo dài thời gian xuất hiện độc tính của methanol.
Sau uống rượu khoảng 30 phút hay muộn hơn (24 - 48 tiếng), thấy người uống rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không thưa, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Bởi nhập viện càng muộn tình trạng ngộ độc càng nặng, bệnh nhân có thể bị mù lòa, tổn thương não, hôn mê kéo dài, thậm chí là tử vong.