Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua thuốc xuyên tâm liên để sử dụng, dự phòng Covid-19.
Đưa xuyên tâm liên vào điều trị Covid-19
Lần đầu tiên, Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc xuyên tâm liên trong y học cổ truyền để điều trị Covid-19. Tác dụng diệt virus SARS-CoV-2 của xuyên tâm liên mới được chứng minh trong phòng thí nghiệm, hiện đang thử nghiệm lâm sàng trong điều trị Covid-19.
Theo Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê, việc đưa xuyên tâm liên vào điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là điểm mới của phác đồ điều trị lần này. Trong giai đoạn khó khăn, phương thuốc này từng được coi là “thần dược” để chữa bách bệnh. Tuy nhiên khi các loại kháng sinh thế hệ mới ra đời, xuyên tâm liên dần bị quên lãng. Một số nước đã đưa xuyên tâm liên vào điều trị bệnh nhân Covid-19 cho thấy hiệu quả trên những người ít triệu chứng, thể nhẹ. Ngoài ra, các trường hợp F1 cách ly tại nhà có dấu hiệu mệt mỏi cũng có thể xem xét sử dụng vị thuốc này.
Xuyên tâm liên là vị thuốc thanh nhiệt, giải độc thường dùng trong y học cổ truyền. Xuyên tâm liên có tác dụng kháng vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng), chống viêm, oxy hóa, ung thư… được dùng để điều trị các bệnh về gan, sốt, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, viêm nhiễm, ung thư, tiểu đường… |
Vì vậy, Bộ Y tế đã giao Cục Y dược cổ truyền kết hợp Cục Khoa học đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng trên một số lượng nhất định, sau đó sẽ báo cáo Hội đồng chuyên môn để tiếp tục đánh giá, nếu hiệu quả sẽ sử dụng ở phạm vi rộng.
Đánh giá về loại thuốc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng và chuyên gia về thuốc đông y xuyên tâm liên của Trung Quốc có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị Covid-19. Xuyên tâm liên đã được một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan sử dụng trong thời gian qua. Việt Nam hiện cũng ứng dụng loại thuốc này vào việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép, có 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong việc điều trị Covid-19 như: Remdesivir, Favipiravir... Đây cũng là những loại thuốc đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Liên quan đến sử dụng thuốc xuyên tâm liên trong việc hỗ trợ điều trị Covid-19, Cục trưởng Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế Nguyễn Thế Thịnh cho biết, trong đợt dịch tại Bắc Giang vừa qua, Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền đã đưa bài thuốc Ngọc bình phong tán, trong đó có xuyên tâm liên để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2, cho kết quả tương đối tốt. Vì vậy Cục đề xuất tiếp tục sử dụng bài thuốc này cho các tỉnh phía Nam để tiếp tục đánh giá. Hiện Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đang phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế làm đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm xuyên tâm liên hỗ trợ điều trị trên bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay cả nguyên liệu và thuốc thành phẩm đều khan hiếm. Hiện tại với nguồn nguyên liệu còn dự trữ trong nước thì có thể sản xuất được 4 triệu viên xuyên tâm liên.
Theo phác đồ điều trị, xuyên tâm liên được sử dụng tùy theo hàm lượng. Các DN sẽ đăng ký với hàm lượng không giống nhau. Xuyên tâm liên có thể chế tạo nhiều kiểu khác nhau, một là xay thô rồi đóng chai, hai là tạo chiết với các hàm lượng khác nhau. Liều dùng tùy theo hướng dẫn của từng DN đăng ký, ví dụ viên thuốc 200 mg sẽ khác 250 mg, 300 mg. Liệu trình điều trị một người khoảng 10 ngày, tức khoảng 100 viên. Hiện Việt Nam có khoảng 50.000 bệnh nhân Covid-19, vậy tương ứng khoảng 5 triệu viên xuyên tâm liên. Cục trưởng Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế Nguyễn Thế Thịnh |
Việt Nam đang tiến hành sản xuất thuốc xuyên tâm liên dạng viên. Tuy nhiên, đến nay còn rất ít đơn vị sản xuất loại thuốc xuyên tâm liên này do nhu cầu sử dụng rất thấp. Chính vì vậy, Cục Quản lý Y dược Cổ truyển đã khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa để các DN trở lại sản xuất loại thuốc này nhằm có đủ số lượng thuốc phục vụ chống dịch trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, Bộ Y tế đang động viên DN sản xuất, trước mắt sẽ cung ứng ra thị trường ở mức độ hỗ trợ cho điều trị Covid-19. Cuối tháng 7/2021, sẽ có khoảng một triệu viên thuốc xuyên tâm liên sẽ được gửi đến TP Hồ Chí Minh.
Tự mua xuyên tâm liên, dùng không đúng cách sẽ gây hại
Theo ông Thịnh, hiện tại, Việt Nam vẫn chưa sử dụng riêng xuyên tâm liên trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Cục đang tiếp tục nghiên cứu và đánh giá loại thuốc này trong việc kết hợp với các phương pháp điều trị khác cho bệnh nhân Covid-19. Theo các nghiên cứu của nước ngoài, đặc biệt tại Thái Lan đưa thuốc xuyên tâm liên vào điều trị Covid-19 và nhận thấy thuốc này có khả năng bất hoạt SARS-CoV-2. Họ đã chính thức đưa xuyên tâm liên vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19. “Chính vì vậy chúng tôi đề xuất với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia sử dụng giai đoạn điều trị bệnh Covid-19 nhẹ và vừa. Tuy nhiên, chúng ta cần căn cứ trên thể lâm sàng của từng bệnh nhân để sử dụng và phải kết hợp với các phương pháp khác” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. |
Trước thông tin nhiều người dân đổ xô đi mua thuốc xuyên tâm liên như một “phao cứu sinh”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Trần Minh Ngọc cho rằng, xuyên tâm liên không phải là “thần dược” để điều trị Covid-19. Trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 do Bộ Y tế đưa ra, còn rất nhiều dược liệu khác sẵn có ở Việt Nam như thanh cao hoa vàng, diếp cá, vàng đắng, núc nác, nghệ, gừng... cũng như các vị thuốc khác, các bài thuốc khác, không chỉ riêng một vị thuốc xuyên tâm liên.
Việc đi tìm mua thuốc xuyên tâm liên khiến thị trường thuốc này tăng giá là không nên. Tác dụng diệt virus SARS-CoV-2 của xuyên tâm liên mới được chứng minh trong phòng thí nghiệm, và đang trong các bước thử nghiệm trên lâm sàng đánh giá khả năng điều trị Covid-19, đến nay chưa có đầy đủ kết quả để khẳng định tác dụng điều trị Covid-19 của xuyên tâm liên. Để hỗ trợ điều trị Covid-19 có thể sử dụng rất nhiều vị thuốc khác, nhiều bài thuốc khác như Ngân kiều tán, Ngọc bình phong tán, Ma Hạnh Thạch Cam thang… cũng như khuyến cáo các biện pháp phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế.
Ngoài ra, thuốc xuyên tâm liên cũng như bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có những chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ, liều dùng, tương tác thuốc… Nếu người dân cứ tự ý mua về, tự ý sử dụng, sử dụng không đúng cách dẫn tới không phòng chống được bệnh do Covid-19, mà còn có thể gây tổn hại tới sức khỏe cho người sử dụng.
“Để sử dụng thuốc xuyên tâm liên đúng, người dân không nên tự ý mua về sử dụng, nhất là với mục đích phòng ngừa Covid-19 mà cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế. Chỉ sử dụng thuốc xuyên tâm liên theo chỉ dẫn của các thầy thuốc. Xuyên tâm liên có thể gây ra các tác dụng phụ như chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, phát ban, nhức đầu, sổ mũi, mệt mỏi… Khi dùng liều cao có thể gây sưng các tuyến bạch huyết, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, tăng men gan. Những người đang dùng thuốc chữa tăng huyết áp, chống đông máu warfarin và aspirin giảm đau, thận trọng khi dùng phối hợp xuyên tâm liên. Những người suy thận, suy gan không nên dùng thuốc xuyên tâm liên. Khi gặp các phản ứng không mong muốn, người dùng cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời” - ông Ngọc khuyến cáo.
Xuyên tâm liên là vị thuốc thanh nhiệt, giải độc thường dùng trong y học cổ truyền. Xuyên tâm liên có tác dụng kháng vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng), chống viêm, oxy hóa, ung thư… được dùng để điều trị các bệnh về gan, sốt, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, viêm nhiễm, ung thư, tiểu đường… Trong xuyên tâm liên có chứa thành phần có công năng thanh nhiệt và giải độc, kháng sinh và chống viêm, có tác dụng điều trị rõ ràng đối với các bệnh hô hấp bao gồm viêm phổi, viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn, virus dựa trên một số lượng lớn dữ liệu lâm sàng đã được tích lũy. Andrographolide có tác dụng kháng virus tiềm năng trong việc điều trị Covid-19 và có thể làm giảm mức độ viêm ở bệnh nhân, cải thiện các triệu chứng hô hấp, ức chế virus và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể… với tính an toàn cao. Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam Phùng Tuấn Giang |