Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc thông báo ngày 1-2: "Cúm gia cầm xuất hiện tại một trang trại thuộc trấn Song Thanh, TP Thiệu Dương. Trang trại này có 7.850 con gà, trong đó 4.500 con đã chết vì nhiễm bệnh. Chính quyền địa phương đã tiêu hủy 17.828 con gia cầm vì dịch bệnh". Nhà chức trách đã phong tỏa khu vực quanh đó và đóng cửa các địa điểm mau bán gia cầm.
TP Thiệu Dương thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, giáp với phía Nam của tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán là trung tâm bùng nổ virus corona. Đợt dịch này đến giữa lúc chính quyền Trung Quốc đang tiếp tục chiến đấu nhằm ngăn cản sự lây lan của virus corona. Giới quan sát đánh giá điều đó sẽ gây áp lực lớn đến nguồn lực khan hiếm của Trung Quốc để đối phó với các nguy cơ sức khỏe hiện tại.
Chính quyền Hồ Nam hiện chưa ghi nhận ca bệnh H5N1 nào ở người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm H5N1 có khả năng lây nhiễm từ người dù rất khó. Dù vậy, cúm gia cầm đặc biệt nguy hiểm đối với người tiếp xúc với nó. Tỉ lệ tử vong của cúm gia cầm đạt hơn 50% trong suốt 15 năm qua, tức dịch bệnh này còn chết chóc hơn cả dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và virus corona mới.
Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết năm 1997, cúm gia cầm H5N1 từng được ghi nhận lây từ gia cầm sang người. Hong Kong là nơi đầu tiên phát hiện ca bệnh. Năm 2003, dịch này bùng phát ở Trung Quốc, sau đó lan sang Việt Nam và 14 quốc gia khác.
Trong đó, Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. Từ năm 1997 đến nay, thế giới đã ghi nhận 861 ca nhiễm virus H5N1, trong đó, 455 bệnh nhân tử vong.
Dịch cúm H5N1 bùng phát tại Hồ Nam thời điểm này như đòn mạnh giáng thêm vào Trung Quốc khi dịch virus corona đang lây lan nhanh. Đến ngày 1/2, số ca lây nhiễm tại quốc gia này lên tới 11.860 người, trong đó 259 ca tử vong.
Trên toàn thế giới, 12.027 ca lây nhiễm ở Anh, Mỹ, Pháp, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam…
Hiện, chưa có vắc xin phòng ngừa và điều trị virus corona.