Cụ thể, năm 2010 cả nước có 470.000 ca phá thai, trong đó hơn 9.000 ca là vị thành niên. Đến năm 2015, trong tổng số gần 280.000 ca phá thai thì có khoảng hơn 5.500 ca là phá thai ở tuổi vị thành niên. Điều đó cho thấy, trong những năm qua, tỷ lệ mang thai, phá thai vị thành niên có giảm nhưng vẫn tương đối cao.
Tuy nhiên, đây là những con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể con số ở các cơ sở y tế tư nhân bởi nhiều người với tâm lý e ngại nên không dám đến các cơ sở y tế công để nạo hút thai mà lựa chọn các cơ sở y tế tư nhân. Vì thế, theo các chuyên gia, con số thực tế về nạo phá thai ở trẻ vị thành niên Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều.
Các chuyên gia cảnh báo việc mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề. Vì ở lứa tuổi quá nhỏ, thể chất cũng như tinh thần chưa được phát triển ổn định, chưa sẵn sàng làm mẹ nên những em bé sinh ra từ những người mẹ vị thành niên sẽ thiệt thòi hơn các trẻ khác. Bên cạnh đó, hậu quả do nạo phá thai ở tuổi vị thành niên còn là vấn đề đe dọa sức khỏe, thậm chí để lại di chứng vô sinh sau này.