Thứ 3, 03/09/2024, 01:21 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Bé 7 ngày tuổi phải thay máu do chủ quan với bệnh vàng da

Bé 7 ngày tuổi phải thay máu do chủ quan với bệnh vàng da
(Tieudung.vn) - Em bé mới 7 ngày tuổi phải nhập viện trong tình trạng vàng da nhân não do tăng Bilirubin gián tiếp.

Trường hợp bé K. (7 ngày tuổi) vừa được các bác sĩ Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận, điều trị. Khi nhập viện bé K. ở trong tình trạng vàng da, bỏ bú, quấy khóc, dấu hiệu xoắn vặn.

vàng da
 

Gia đình cho biết, bé K. chào đời bằng phương pháp sinh thường, đủ tháng. Sau sinh 3 ngày, gia đình có thấy da của trẻ hơi vàng nhưng do tâm lý chủ quan, trẻ đã không được tắm nắng cũng như đi khám kịp thời. Đến ngày thứ 7 trẻ có biểu hiện vàng da đậm, quấy khóc nhiều, bỏ bú gia đình mới cho trẻ đi khám.

Bác sĩ Vương Thị Hào - Trưởng khoa Sơ sinh cho biết, trẻ nhập viện với nồng độ Bilirubin rất cao (720 µmol/l) và được chẩn đoán vàng da nhân não tiên lượng nặng. Nguyên nhân là do trẻ không được gia đình đưa đi khám và điều trị kịp thời.

Sau khi tiến hành khám và dựa vào kết quả xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán vàng da nhân não do tăng Bilirubin gián tiếp tiên lượng nặng. Trẻ được chỉ định thay máu. Theo nhận định của các bác sĩ, việc điều trị cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn hoặc có thể để lại di chứng bại não, thậm chí tử vong.

Để tránh những biến chứng có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phân biệt rõ vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý để sớm có hướng điều trị cho trẻ.

Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời.

Thế nào là vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh?

Ở trẻ đủ tháng, bình thường thì vàng da được coi là sinh lý khi vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi. Hết trong tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn).

Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ...). Nồng độ bilirubin/máu không quá 12 mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14 mg% ở trẻ non tháng...Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5 mg% trong 24 giờ.

Thế nào là vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh?

Vàng da được coi là bệnh lý khi có bất thường từ một trong số các tiêu chuẩn sau:

- Vàng da đậm xuất hiện sớm.

- Không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.

- Mức độ vàng toàn thân và cả mắt.

- Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác (trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật...).

- Xét nghiệm bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.

Khi có các dấu hiệu vàng da bệnh lý như nói trên, cần phải đưa ngay trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Các phương pháp điều trị vàng da sơ sinh?

Cho đến nay, tại các khoa sơ sinh, điều trị vàng da sơ sinh bằng 3 phương pháp chính, đó là:

- Cung cấp đầy đủ nước và năng lượng (qua cho bú hoặc truyền dịch), truyền albumin và dùng một số loại thuốc để gia tăng tốc độ chuyển hoá bilirubin gián tiếp.

- Chiếu đèn là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh hiệu quả nhất, an toàn, đơn giản và kinh tế nhất.

- Thay máu khi bé có triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh do bilirubin trong máu tăng cao.

Tùy trường hợp cụ thể, các bác sĩ có thể sử dụng 1-2 hay 3 phương pháp cùng lúc.

Tags:
4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.40802 sec| 788.289 kb