Thứ 3, 15/10/2024, 11:18 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Trường Đại học Đồng Nai: Từ khó khăn chuyển thành thuận lợi trong ứng dụng đào tạo online

Trường Đại học Đồng Nai: Từ khó khăn chuyển thành thuận lợi trong ứng dụng đào tạo online
(Tieudung.vn) - Đầu tháng 7/2021, Tiến sĩ Lê Anh Đức được UBND tỉnh Đồng Nai bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai. Đó là thời điểm tại Đồng Nai bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, vì vậy hoạt động giảng dạy của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, sau hơn hai tháng triển khai áp dụng đào tạo online trực tuyến, nhà trường đã dần bắt nhịp công nghệ trong giảng dạy và học tập, tạo bước chuyển biến thuận lợi cho nhà trường bước vào năm học mới 2021-2022. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Tiến sĩ Lê Anh Đức.

Trường Đại học Đồng Nai: Từ khó khăn chuyển thành thuận lợi trong ứng dụng đào tạo online

TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai

Sứ mệnh đào tạo nhân sự đáp ứng phát triển công nghiệp

Phóng viên: Thưa ông, với cương vị đứng đầu dẫn dắt hoạt động đào tạo của Trường Đại học Đồng Nai, ông có thể cho biết chiến lược nhà trường đang theo đuổi là gì?

Tiến sĩ Lê Anh Đức: Chiến lược phát triển Trường Đại học Đồng Nai phải đáp ứng được các yêu cầu của tỉnh Đồng Nai. Trước hết phải thực hiện tốt theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025. Đồng thời xuất phát từ những yêu cầu kiểm định chất lượng về đào tạo đại học, không những của Bộ GD&ĐT mà là kiểm định chất lượng từ tiêu chuẩn của AUN-QA (Đảm bảo chất lượng của Tổ chức mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á). Xuất phát từ những yêu cầu đó để nhà trường đang xây dựng định hướng phát triển. Theo đó, các khoa, đơn vị trong trường cũng xây dựng các tiêu chuẩn định hướng phát triển của đơn vị và của toàn Trường.

Tôi vừa về Trường nhận nhiệm vụ từ ngày 01/7/2021. Điều rất mừng là Hội đồng trường, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên trong nhà trường đều hiểu phát triển nhà trường là một tất yếu, mong muốn đưa Trường Đại học Đồng Nai xứng đáng vị thế vốn có với bề dày hơn 47 năm, trường đại học công lập duy nhất của tỉnh Đồng Nai.

Dân số Đồng Nai hơn 3,3 triệu dân, các khu công nghiệp phát triển rất mạnh, có Sân bay quốc tế thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, kể cả về giáo dục đào tạo. Chính vì vậy đã tạo nên hệ sinh thái về nhu cầu nhân lực rất lớn đòi hỏi các trường Đại học ở Đồng Nai phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới đáp ứng được. Điều này trở thành một sứ mệnh không thể thiếu, khẳng định sự tồn tại của nhà trường ở quá khứ và tương lai. Nếu chúng tôi không thực hiện được thì cũng sẽ phải thay thế bởi một đội ngũ nhân sự khác để hoàn thành sứ mệnh đó, như một sự tất yếu.

PV: Đồng Nai là một tỉnh phát triển hàng đầu các khu công nghiệp, vì vậy cụ thể nhà trường cần phát triển đào tạo những lĩnh vực ngành nghề nào để phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp, thưa ông?

TS Lê Anh Đức:  Khi tôi về nhận nhiệm vụ tại trường, tôi áp dụng ngay Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, đó là trong 5 năm (từ 2020 đến 2025) Trường Đại học Đồng Nai phải là đơn vị có thế mạnh về đào tạo giáo viên, quản lý giáo dục, ngoại ngữ, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại, kỹ thuật… để phục vụ ngành công nghiệp, dịch vụ ở Đồng Nai.

Thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã bắt tay ngay vào rà soát các quy định để xem mình đang thiếu gì, muốn đạt được những yêu cầu chiến lược đề ra như trên cần cải thiện những vấn đề gì. Sau hơn 2 tháng thực hiện rà soát các quy chế tổ chức hoạt động, xác định các chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị trong trường theo hướng tinh, gọn, rõ việc để đơn vị chủ động phân công nội bộ và phối hợp trong công việc.

Trong quá trình thực hiện có thuận lợi là các quy định của Luật Giáo dục Đại học đều có những đổi mới, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành cũng là tiền đề để cho Trường ban hành các quy định về chế độ làm việc, chi tiêu nội bộ, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học… đúng với quy định Nhà nước và phù hợp với hoàn cảnh của đơn vị, tạo điều kiện và động lực cho người lao động và giảng viên phát triển.

Nhà trường đã triển khai xây dựng được chiến lược phát triển đến các đơn vị, hướng đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đáp ứng phát triển đội ngũ, phát triển các mã ngành để phục vụ cho phát triển kinh tế- tỉnh Đồng Nai. Đồng thời phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, lấy ý kiến của sinh viên về cách phục vụ và giảng dạy để kịp cải tiến . . . Về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận trong toàn bộ nhà trường, mọi thành viên trong nhà trường hiểu rằng đó là quyền, là trách nhiệm, là sứ mệnh của họ, vun đắp cho sự phát triển của nhà trường.

PV: Về tổ chức bộ máy nhân sự quản lý, đội ngũ giảng viên của nhà trường hiện nay, ông có thể nhìn nhận như thế nào?

TS Lê Anh Đức: Về tổ chức bộ máy nhân sự, hiện có sự khó khăn do tình hình dịch Covid-19, sau khi cơ cấu lại các phòng ban việc bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị, các khoa gặp khó khăn. Chẳng hạn bỏ phiếu bổ nhiệm không thể thực hiện qua mạng được. Bên cạnh đó nhiều nhân sự đang trong vùng phong tỏa, cách ly. Hy vọng, những khó khăn đó sẽ được khắc phục trong tháng 10/2021.

Tuy nhiên về bộ máy nhân sự, chúng tôi đã kế thừa quy hoạch nhân sự trước đây. Những nhân sự đã được quy hoạch, được tập thể tín nhiệm thì nhà trường thực hiện quy trình để lựa chọn, đây cũng là một thuận lợi. Đến hiện nay nhà trường có hơn 480 cán bộ giảng viên, trong đó có gần 35% nhân sự hành chính (tỷ lệ này khá cao). Trong đề án tuyển sinh có 310 giảng viên, hầu hết có trình độ thạc sĩ trở lên, và có 30 Tiến sĩ. Trong hơn 2 tháng kể từ khi tôi về nhận nhiệm vụ tại Trường thì có một số Tiến sĩ về đầu quân ở các lĩnh vực quản trị kinh doanh, kinh tế, giáo dục.

Một số lĩnh vực đội ngũ giảng viên còn thiếu sắp tới sẽ trình tỉnh có chính sách thu hút, đó là lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, cơ khí, văn hóa du lịch… Đây là những ngành thời gian tới nhà trường dự kiến sẽ phát triển để phục vụ nhân lực cho tỉnh.

Bên cạnh một số ngành mới, một số chuyên ngành đã có thì nhà trường cần phải tiếp tục duy trì, đó là những ngành đào tạo giáo viên các bậc học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), giáo viên Anh văn, cử nhân kế toán, quản trị kinh doanh…

Trường Đại học Đồng Nai: Từ khó khăn chuyển thành thuận lợi trong ứng dụng đào tạo online

Giảng viên triển khai, kiểm tra thi trực tuyến cho kỳ thi cuối khóa của sinh viên Trường Đại học Đồng Nai.

Giảng viên và sinh viên trở thành chuyên gia công nghệ

PV: Được biết trong thời gian qua nhà trường đã áp dụng công nghệ đào tạo trực tuyến, cụ thể việc giảng dạy và học tập, thi tốt nghiệp… đã được giảng viên và sinh viên hưởng ứng…

-TS Lê Anh Đức:  Hiện nay nhà trường đã xây dựng 2 quy chế hoạt động, đó là quy chế đào tạo ban hành để điều tiết tất cả các hoạt động đào tạo của nhà trường và quy chế đào tạo online. Chúng tôi ban hành quy chế đào tạo online, xuất phát từ nhu cầu thực tế, không chỉ do dịch Covid-19 mà từ nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, khi hết dịch Covid-19 thì áp dụng khoảng 30% học online giúp giảng viên và sinh viên kết nối để hướng dẫn, giải đáp bài học ngay cả khi ở nhà.

Về cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị, đường truyền thì nhà trường đã có sẵn. Chúng tôi đã huy động lực lượng kỹ thuật công nghệ của nhà trường để thực hiện vấn đề này. Điều mừng là giá trị chất xám của bộ phận kỹ thuật công nghệ được huy động, được đánh thức, được trân trọng. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa Phòng Đào tạo, khảo thí với đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin, với các phòng, khoa để đáp ứng được yêu cầu vừa giảng dạy, vừa học tập, thuận lợi cho sinh viên.

Trong việc tổ chức thi và học online, đầu tháng 7/2021 nhà trường xác định dù muốn hay không thì hoạt động đào tạo của nhà trường vẫn phải vận hành. Thứ nhất giúp cho sinh viên có việc làm (vì các sinh viên đã học xong chương trình, chỉ chờ thi để được ra trường đi làm việc), nếu nhà trường chờ thì không biết khi nào hết dịch Covid-19. Vì vậy nhà trường đặt hàng đội ngũ công nghệ thông tin xây dựng phương án.

Sau khi xây dựng phương án, nhà trường cho sinh viên đăng ký, truyền thông cho sinh viên biết: đây là quyền lợi của sinh viên vì cơ hội ứng dụng công nghệ mới, kịp cho các sinh viên hoàn thành các khóa học để được tuyển dụng và làm việc. Do đó đã huy động nhiều nguồn lực nhà trường, các đoàn viên sinh viên hưởng ứng làm các video hướng dẫn cách thi online rất chuyên nghiệp.

Sinh viên hướng ứng toàn bộ phương án này. Nhà trường xây dựng kế hoạch hai đợt thi thử cho giáo viên trước, rồi đến sinh viên thi thử, sau khi rút thì thực hiện hai đợt thi thật. đợt 1 có hơn 96% sinh viên tham gia thi online và các em đánh giá rất cao cách tổ chức thi online này. Cho đến hiện nay nhà trường đã triển khai 2 đợt thi online cho gần 5.000 sinh viên và ghi nhận sự thành công.

Giảng viên và sinh viên nhà trường đã trở thành chuyên nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin học và thi, làm việc từ xa. Toàn Trường đã bắt nhịp ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc lăn xả vì sinh viên, làm cả ngày thứ 7, chủ nhật và buổi tối, cá nhân tôi rất xúc động và xin cám ơn tinh thần làm việc của các giảng viên và nhân viên kỹ thuật công nghệ.

Chất lượng giữa giảng dạy online và giảng dạy trên lớp có sự khác biệt cơ bản. Khi giảng dạy trực tiếp sự tương tác không phụ thuộc vào chất lượng đường truyền, mọi hoạt động trực tiếp và chỉ tập trung cho dạy và học đúng chủ đề, không bị phân tán cho việc khác. Do đó, khi giảng dạy online, giảng viên phải thiết kế nhiều hoạt động cho sinh viên hơn, có phương án dự phòng nhất là khi chất lượng đường truyền không đảm bảo, sự tương tác giữa người học và người dạy gặp rất nhiều khó khăn.

Đầu tháng 10/2021, Trường tiếp tục hoàn thiện ban hành những hướng dẫn, Tổ về công nghệ học và thi online tiếp tục nghiên cứu, tư vấn đầu tư hạng tầng kỹ thuật, biên soạn tài liệu sau đó tập huấn cho toàn bộ giảng viên của nhà trường để phục vụ cho năm học mới 2021-2022. Tôi tin chất lượng giảng dạy online sẽ được đảm bảo, nếu nhà trường chuẩn bị tốt cho sự tương tác giữa người dạy và người học trên môi trường mạng.

Nhà trường đã và đang đi đúng hướng…

PV: Ông có thể khái quát về việc những bước đầu khi về nhận nhiệm vụ lèo lái “con tàu” lớn Trường Đại học Đồng Nai cho đến hiện nay?

TS Lê Anh Đức: Cho đến thời điểm này tất cả mọi hoạt động của nhà trường đang đi đúng hướng. Tập thể giảng viên, người lao động và sinh viên đều hiểu rằng nhà trường đang bám sát Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã đề ra, sử dụng đúng mô hình của AUN-QA, để đưa ra chiến lược phát triển nhà trường, tập trung xây dựng chương trình đào tạo và công khai cho xã hội giám sát, đánh giá, lưạ chọn nơi học và tuyển dụng lao động. Đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về đào tạo. Các khoa, đơn vị trong Trường, các giảng viên hầu như chủ động thực hiện các quy định này nhằm hướng đến văn hoá chất lượng, đó là chất lượng đào tạo cho sinh viên.

Xin cám ơn ông!

Tags:
4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.17933 sec| 849.531 kb