Cho đến thời điểm hiện tại hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT đã đóng lại, kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021.
Nguồn ảnh: Internet
Theo báo cáo từ Bộ GD&ĐT, năm nay có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi THPT. Cụ thể, có 222.500 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét công nhận tốt nghiệp (chiếm gần 22%); 36.000 thí sinh chỉ xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (chiếm tỷ lệ 3,5%); 763.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa tham gia xét tuyển vào đại học, cao đẳng (chiếm gần 75%).
Tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký là 3,8 triệu.
Theo số liệu Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thống kê ngày 14/5, nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý có tới hơn 1,2 triệu nguyện vọng, trong khi tổng số chỉ tiêu ở các trường chỉ hơn 118.000. Đây là nhóm ngành có nhiều lựa chọn bởi rất nhiều trường đào tạo với mức điểm trúng tuyển đa dạng.
Máy tính và Công nghệ thông tin cũng là lĩnh vực hot, thu hút nhiều thí sinh đăng ký. Với gần 50.000 chỉ tiêu, số nguyện vọng ghi nhận là hơn 336.000, cao hơn gần 7 lần. Các trường có ngành liên quan thường lấy điểm đầu vào cao. Như năm ngoái, nhiều trường top giữa cũng lấy điểm chuẩn là 20.
Bức tranh số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học-cao đẳng cũng phản ánh xu hướng chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ hiện nay.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch-dịch vụ thời gian qua chịu nhiều ảnh hưởng. Điều này có phần tác động đến tâm lý chọn ngành nghề của học sinh. Nhiều em dè dặt chọn ngành này vì lo lắng về cơ hội việc làm.
Trong khi đó, Cao đẳng sư phạm mầm non vẫn luôn nằm trong nhóm ngành khó thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển.
Lương thấp, áp lực công việc… là những lý do mà nhiều bạn trẻ đưa ra để không chọn học ngành sư phạm mầm non. Điều này dự báo thời gian tới, tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn tiếp diễn và trầm trọng hơn. Trong khi tính đến nay, cả nước đang thiếu trên 45.000 giáo viên mầm non.