Theo TS Lê Viết Khuyến, chuyên gia giáo dục, trước đây khi Hà Nội thực hiện theo Chỉ thị 16, việc đóng cửa trường học, ưu tiên phòng chống dịch là bắt buộc. Hà Nội đang từng bước "mở cửa" các hoạt động trở lại, do đó thành phố nên linh hoạt lên phương để học sinh các vùng xanh được đến trường thay vì đóng cửa toàn bộ trường học.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Nông nghiệp
Chưa nói đến hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, ngồi lâu trước màn hình điện thoại, máy tính, ít vận động cũng gây ra nhiều mối nguy hại về thể lực, vấn đề tâm sinh lý, nhất là với trẻ ở độ tuổi tiểu học và mầm non. Vậy nên, việc xem xét đưa học sinh dần quay trở lại trường học lúc này là điều cấp thiết.
Dù ủng hộ quan điểm dần đưa học sinh đến trường học trực tiếp, nhưng ông Khuyến cho rằng, việc đón học sinh tới trường cần thực hiện thận trọng, có lộ trình phù hợp thực tế.
Ví dụ, trong một quận, điểm nào có ca nhiễm sẽ khoanh vùng thành điểm đỏ. Điểm đỏ có thể là một phường hay một cụm nhà cách biệt. Những vùng an toàn khác hoàn toàn có thể dần cho học sinh quay lại trường học bằng cách chia lớp học thành các nhóm nhỏ, đảm bảo dưới 10 em/nhóm. Đồng thời kết hợp linh hoạt giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo nguồn tin trên Lao Động, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng - Nghị quyết quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ mới ban hành (Nghị quyết 128) đã đề cao tinh thần sống chung, không e ngại, không sợ hãi trước dịch bệnh. Vì vậy, ngành giáo dục thủ đô cần linh hoạt, xem xét sớm cho học sinh đi học trở lại.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, việc học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài, không được đến trường cùng thầy cô bạn bè không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức mà còn ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần.
"Chúng ta phải linh hoạt, đổi mới để thích ứng với dịch bệnh trong điều kiện mới. Theo đó, học sinh Hà Nội cần đi học trở lại để tránh những nguy cơ xấu, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và chất lượng học tập" - ông Nga nói.
Tại nhiều quận huyện "vùng xanh" của Hà Nội như Sơn Tây, Sóc Sơn, Ba Vì,... sau nhiều ngày không có ca nhiễm mới, phụ huynh, giáo viên mòn mỏi trông đợi từng ngày học sinh được quay trở lại trường.
"Thời điểm cuối tháng 9, khi Hà Nội đề xuất cho học sinh vùng xanh trở lại trường, phụ huynh chúng tôi đã đến trường dọn dẹp, sửa sang cơ sở vật chất để chuẩn bị đón học sinh trở lại lớp học. Nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức về ngày con được đến trường.
Ở khu vực tôi sinh sống, từ 30.4 đến nay chưa có ca nhiễm mới nào nên tôi nghĩ việc mở cửa trường học là an toàn. Hà Nội nên xem xét mở nới lỏng cho học sinh đến trường tại các quận huyên ngoại thành hoặc các xã đủ điều kiện an toàn" - chị Nguyễn Quỳnh Liên (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) bày tỏ nguyện vọng.
Tại Sóc Sơn, sau thời gian dài chờ đợi quyết định ngày được mở cửa, Trường Liên cấp Mầm non - Tiểu học - THCS Capitole đã quyết tâm "phá rào" đón học sinh trở lại trường.
Nhiều chuyên gia nhận định, hành động "phá rào" đón học sinh trở lại trường học như trên là vi phạm quy định phòng, chống dịch của Hà Nội. Nhưng mặt khác, lại thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo, để thích ứng với dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” mà Chính phủ vừa ban hành.