Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến từ các cơ sở giáo dục phổ thông đối với một số nội dung liên quan trong đó có việc góp ý cho phương án thi tuyển lớp 10.
Theo đó, về phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, Bộ GD&ĐT đưa ra phương án xét tuyển và thi tuyển.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Cụ thể, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh. Nếu học sinh lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Về thi tuyển, phương án đưa ra lấy ý kiến của các nhà trường, Sở GD&ĐT là sẽ tổ chức thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ ba - do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Như vậy, các môn còn lại cụ thể là: Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Hoá học, Vật lý, Sinh học), Lịch sử - Địa lý, Tin học, Công nghệ…
Thời lượng dành cho các môn thi cũng được quy định cụ thể đó là môn Ngữ văn, thí sinh làm bài 120 phút; môn Toán 90 phút; môn thi còn lại không quá 90 phút; môn thi chuyên 150 phút.
Thành phần tổ chức bốc thăm gồm lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở, thanh tra và các thành phần có liên quan khác do Sở mời. Biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia.
Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, mỗi môn chuyên có thêm một môn thi chuyên.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.
Mỗi môn thi chuyên được thi bằng một đề thi riêng theo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Tuy nhiên, đề thi đối với môn chuyên phải bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.