Theo Deadline, hãng giải trí hàng đầu Hollywood Disney vừa thông báo đóng cửa Blue Sky Studios, studio chịu trách nhiệm sản xuất các bộ phim hoạt hình nổi tiếng như Ice Age (Kỷ băng hà), Rio, Spies in Disguise...
Cảnh trong phim “Kỷ băng hà 5”.
Disney cho biết: "Dựa trên thực trạng kinh tế hiện nay, sau nhiều cân nhắc và đánh giá, chúng tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là đóng cửa hoạt động làm phim tại Blue Sky Studios". Nhà Chuột đang ám chỉ đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp phim theo nhiều cách khác nhau.
Phim hoạt hình của Blue Sky khá tiên phong mà vẫn đậm nét dí dỏm khôi hài, hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật, còn nội dung ngụ ngôn lại giàu tính nhân văn. Cho dù kể từ năm 2017 trở đi, Blue Sky không còn thành công rực rỡ như trước, nhưng hãng phim này vẫn còn nhiều dự án đang ươm mầm, tác phẩm được thai ngén.
Tuy là một trong những xưởng phim hoạt hình CGI tiên phong trong thời kỳ đầu và nhờ vậy mà sánh vai với các đối thủ nặng ký như Dream Works, Disney hay Pixar, thế nhưng Blue Sky lại bị hy sinh vì là lớp "tân binh". Một khi được sáp nhập vào Walt Disney, đội ngũ của Blue Sky vẫn thuộc vào hàng lính mới. Giới chuyên ngành lo ngại rằng Blue Sky sẽ bị "nhấn chìm" trong dải ngân hà Walt Disney. Bản thân tập đoàn này khi chi hơn 71 tỷ USD để mua lại hãng phim Fox cũng không ngờ rằng chưa đầy hai năm sau, toàn bộ guồng máy điện ảnh bị tê liệt trước đà lây lan, bùng phát của đại dịch Covid-19.
Những bộ phim hoạt hình làm nên thương hiệu của Blue Sky
Ice Age (Kỷ Băng Hà, 2002)
Ice Age là bộ phim đầu tay của Blue Sky Studios và phải mất đến 3 năm để hoàn thành. Đây cũng là tác phẩm hoạt hình thứ hai trên thế giới áp dụng công nghệ Dò Tia (Ray Tracing). Nhờ vậy, phim đã tạo ra sự đột phá mạnh mẽ trên thị trường ngay thời điểm ra mắt. Bên cạnh đó, Ice Age còn sở hữu cốt truyện hài hước và đầy ý nghĩa tình bạn của bộ ba sinh vật tiền sử là hổ răng kiếm Diego (Danis Leary), voi ma mút Manny (Ray Romano) và chú lười Sid (John Leguizamo).
Tác phẩm nhận được hàng loạt lời khen ngợi của cả khán giả lẫn giới phê bình và được đề cử giải Oscar cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc. Phim mang về hơn 383 triệu USD doanh thu so với kinh phí chỉ 59 triệu. Từ đó, bộ ba đáng yêu này tiếp tục thống trị màn ảnh rộng thêm 14 năm với Ice Age: The Meltdown (2006), Ice Age: Dawn of the Dinosaurs (2009), Ice Age: Continental Drift (2012) và Ice Age: Collision Course (2016).
Horton Hears a Who! (Voi con và những người bạn, 2008)
Horton Hears a Who! được Blue Sky Studios chuyển thể từ bộ sách thiếu nhi nổi tiếng cùng tên của Dr. Seuss. Phim xoay quanh chàng voi Horton (Jim Carrey) phát hiện ra cả một thành phố tí hon sống trên bông hoa nhỏ và phải vượt qua mọi lời “đàm tiếu” hay nguy hiểm của rừng già để đưa họ đến nơi an toàn. Nhờ nội dung hấp dẫn cùng ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, tác phẩm mang về gần 300 triệu USD, điểm số 79% trên Rotten Tomatoes và hàng loạt đề cử, giải thưởng danh giá.
The Peanuts Movie (Chú cún Snoopy, 2015)
The Peanuts Movie là một trong những bộ phim được đánh giá cao nhất của hãng Blue Sky. Phim dựa trên loạt truyện tranh nổi tiếng Peanuts của Charles M. Schulz và phải mất đến 9 năm để hoàn thành. Đạo diễn Steve Martio và các họa sĩ đã mất hơn 1 năm trời để nghiên cứu phong cách vẽ ban đầu của Charles M. Schulz nhằm chuyển thể “những bức vẽ tay thành điểm ảnh một cách chính xác tuyệt vời của CGI”. Ê kíp đã tìm nhiều cách để đôi mắt chỉ có chấm đen của nhân vật có thể biểu đạt niềm vui và nỗi buồn hiệu quả nhất.
Tác phẩm đã nhận được đến 87% điểm số trên Rotten Tomatoes cùng nhiều đề cử Phim hoạt hình xuất sắc của Annie Award, Critics’ Choice Movie Award và trở thành phim đầu tiên của Blue Sky Studios được đề cử Quả cầu vàng. The Peanuts Movie cũng thu về hơn 245 triệu USD.
Ferdinand (Ferdinand phiêu lưu ký, 2017)
Được chuyển thể từ sách thiếu nhi The Story of Ferdinand, Ferdinand trở thành một trong những bom tấn hoạt hình ăn khách nhất năm 2017. Chuyến phiêu lưu của chàng bò “sống nội tâm, yêu màu hồng” Ferdinand (John Cena) tràn ngập tiếng cười bởi dàn nhân vật phụ “lầy lội” và những bài học sâu sắc về tình bạn. Không những thế, phim còn mang đến cho khán giả cái nhìn khác về môn thể thao đấu bò của Tây Ban Nha. Không chỉ mang về gần 300 triệu USD, tác phẩm còn được đề cử cả giải Oscar lẫn Quả cầu vàng cho Phim hoạt hình xuất sắc.
Spies in Disguise (Điệp viên ẩn danh, 2019)
Sau 2 năm vắng bóng, Blue Sky Studios đã “tái xuất giang hồ” với bom tấn Spies in Disguise. Bộ phim mang đậm tính giải trí khi xây dựng cặp đôi trái tính ngược nết Lance Sterling (Will Smith) và Walter Beckett (Tom Holland). Bằng những màn kết hợp khó đỡ của chàng siêu điệp viên hóa bồ câu cùng cậu chuyên gia vũ khí gà mờ, tác phẩm đem đến vô số tràng cười sảng khoái. Đồng thời, ê kíp Spies in Disguise cũng thể hiện sự sáng tạo đỉnh cao với hàng loạt vũ khí hiện đại không giống ai cùng nhiều tập tính dở khóc dở cười của loài bồ câu.
Ngoài ra, phim còn mang nhiều ý nghĩa về tình bạn, tình cảm gia đình để chào đón một năm mới an lành và tràn ngập niềm vui. Nhờ đó, Spies in Disguise có doanh thu vượt kì vọng dù đối mặt với nhiều bom tấn Hollywood dịp cuối năm. Phim đạt điểm số 73% trên trang Rotten Tomatoes và hứa hẹn sẽ vượt qua doanh thu của Ferdinand, cũng như trở thành ứng cử viên cho đề cử Oscar lẫn Quả cầu vàng sắp tới. Spies in Disguise xứng đáng là siêu phẩm giải trí cho cả gia đình dịp đầu năm 2020.