Theo Vietnam+, 23 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Sơn La và Lạng Sơn.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: hanoimoi.com.vn
15 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Nghệ An, Hải Dương, Bình Định, Quảng Trị và Đắk Nông.
Các tỉnh, thành phố đang tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Nam, Cà Mau và Gia Lai.
Theo VOV, trước đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp. đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục; ưu tiên tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ. Đối với các trường học đang được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung, phục vụ công tác phòng, chống dịch,…cần nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện, khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đi học trực tiếp trở lại; chỉ đạo các sở GD&ĐT rà soát tình hình đội ngũ giáo viên, nhân viên của các trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh, bổ sung cơ sở vật chất theo yêu cầu an toàn trường học trong tình hình mới.
Căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn, theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại trường học tập, chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo quy định. Cụ thể:
- Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp, củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
- Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
- Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): Căn cứ vào thực tế tình hình và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.... Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp; phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình; có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.
Theo báo Tin tức, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo ngành Giáo dục các địa phương chủ động, sẵn sàng phối hợp tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho học sinh. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ thảo luận kỹ với Bộ Y tế để có hướng dẫn thực hiện cụ thể. Bộ đề nghị các cơ sở giáo dục thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động cha mẹ, người giám hộ của học sinh thấy rõ được tác dụng tích cực của công tác tiêm chủng trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường, từ đó, đồng ý cho học sinh được tiêm chủng.