Mẹ bảo: Bà chửa mà ăn cháo cá chép thì sau con sinh ra sẽ thông minh, trắng trẻo. Tôi nghe mẹ nói vậy, lần nào cũng an nhàn thưởng thức món ăn vừa ngon miệng mẹ lại vừa bổ con.
Thường mẹ sẽ đi chợ buổi sáng, chọn con cá chép tươi, mình dày, dài, bụng nhỏ dẹp là cá chép ngon. Về nhà, mẹ vừa làm cá vừa ngâm gạo. Cá được mổ bụng, bỏ ruột, làm sạch, bóp muối gừng cho hết mùi tanh.
Nước đã được thêm vài lát gừng đun trên bếp đến khi sôi mới thả cá vào luộc với mấy nhánh thì là làm dậy lên mùi thơm ngọt mát.
Cá chép luộc chín. Trong lúc chờ cá nguội, mẹ đem gạo tẻ, gạo nếp, thêm nhúm đỗ xanh vo sạch, ngâm nở. Mẹ mang gọng kính tỉ mẩn ngồi gỡ hết xương sống xương dăm vì sợ cô “bé con” hai mươi mấy tuổi của mình bị hóc. Thịt cá lọc hết xương được tẩm ướp với chút nước mắm và hạt tiêu cho vừa thấm. Sau đó, phi thơm hành khô, bột nghệ, cho thịt cá khéo léo xào trên chảo để cá không bị nát.
Phần xương cá sau khi gỡ hết thịt, mẹ cũng tiếc chẳng bao giờ bỏ đi. Mẹ cho vào cối giã nhỏ, lọc lấy nước cốt trộn cùng với nước luộc cá để hầm cháo. Nước cốt không chỉ giúp nồi cháo thêm ngon, ngọt mà còn tận dụng được tối đa lượng can xi.
Chiều chiều, mẹ luôn canh thời gian gần lúc tôi đi làm về, cho thịt cá vào nồi cháo đun lên cho nóng để khi tôi về đến nhà là kịp ăn. Múc cháo ra bát, mẹ còn để mấy cọng thì là lên trên vừa “đúng bài” vừa trang trí.
Mẹ tôi, cũng như bao bà mẹ khác được truyền lại từ những bà mẹ thời trước đều tin rằng cháo cá chép là một bài thuốc an thai. Về sau, tôi - bà mẹ sống trong thời kỳ phổ cập thông tin, có điều kiện đọc tài liệu nhiều hơn mẹ thì biết thêm rằng món cháo này ngoài tác dụng an thai, còn giúp thông sữa, bồi bổ sức khỏe, điều hòa khí huyết, làm giảm mệt mỏi cho mẹ. Đồng thời, các dưỡng chất trong cá chép còn có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ.
Và bà mẹ của hai cô gái là tôi bây giờ lại ngồi viết những dòng này để lưu lại công thức cháo mẹ nấu ngày nào, sau này lại nấu cho hai cô gái của mình.