Lý do là loại giò này có vị ngọt thanh, mát, dễ ăn. Khi mâm cơm Tết miền Bắc vốn rất ngấy với thịt lợn, bánh trưng, thì giò me như một món ăn giúp đổi vị, bớt ngấy.
“Tôi muốn đặt giò Me ăn dịp Tết vì món ăn này rất dễ chịu, thanh mát. Nghĩ đến mâm cơm miền Bắc thì món ăn này thực sự rất hấp dẫn. Tôi cũng đã đặt liền 5kg để ăn dần cũng như biếu 2 bên nội, ngoại. Rất nhiều người trong cơ quan tôi cũng đã đặt mua từ một đồng nghiệp Nghệ An”, chị Tâm (nhân viên văn phòng Hà Nội) cho hay.
Giò me vốn là đặc sản của xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Theo chị An (người dân xã Nam Nghĩa), thì quê chị có một vùng cỏ xanh trên núi, việc này thuận lợi cho người dân trong xã chăn nuôi, đặc biệt là bò ăn cỏ.
Đặc sản giò me Nghệ An đang đặc biệt hút khách Hà thành. |
“Tôi thường đặt mua thịt bê từ vùng cỏ này. Thịt bê ở đây đặc biệt ngọt, chắc thịt bởi chúng hoàn toàn ăn cỏ, không có thuốc tăng trọng”, chị An cho biết.
Ngoài ra, theo chị An, những người làm giò me trong xã cũng thường mua bê ở chợ trâu bò Nam Nghĩa. Đây là ngôi chợ đã tồn tại 40 năm nay, gắn với nhiều thế hệ người dân Nam Nghĩa nói riêng và người Nghệ An nói chung. Ngôi chợ này bán duy nhất một món hàng là trâu bò. Và đây chính là nguồn cung cấp thịt bê cho bà con Nam Đàn làm đặc sản giò me.
Những miếng giò me ngọt mát của người dân Nghệ An. |
“Trước đây, giò me ít được tiêu thụ rộng rãi. Nhưng 2,3 năm trở lại đây, do mạng Internet phát triển, giò me được quảng bá rộng hơn, nên được người dân các tỉnh thành biết đến nhiều hơn. Do vậy, tôi cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn, chủ yếu là ở Hà Nội”, chị An kể.
Anh Trần Văn Tuấn (người dân làng nghề giò me xã Nam Nghĩa, Nam Đàn, Nghệ An) cho biết: “Những ngày cuối năm, lượng khách đặt mua giò Me phục vụ Tết rất nhiều. Các đầu mối chủ yếu là người quen làm dân văn phòng Hà Nội muốn kiếm thêm, họ rao trên mạng rồi đặt sản phẩm nhà tôi. Hàng cuối năm bán khá chạy. Riêng từ đầu tháng đến nay, gia đình tôi đã bán được gần 400kg”.
Theo anh Tuấn, người Hà Nội sành ăn, nên hàng phải ngon, chất thì mới đảm bảo tiêu thụ được nhiều. “Chứ nhiều người mua phải hàng kém chất lượng, ít thịt, pha tạp nhiều, chất đông nhiều hơn thịt… họ cũng bị ấn tượng không tốt, và không đặt hàng nữa”, anh Tuấn cho biết.
Me thực ra là con bê (bò con), ngôn từ địa phương thường gọi. Giò me được làm từ nguyên liệu chính là thịt me (thịt bê), bì me, trứng gà và các loại gia vị khác.
Tại xã Nam Nghĩa, giò me vẫn được làm thủ công theo phương pháp truyền thống từ nhiều năm nay. Khác với giò lụa truyền thống như giò lợn, giò bò xay nhuyễn, giò bê được làm từ nguyên liệu chính là thịt me nguyên tảng.
Để làm giò me ngon, người làm chọn thịt me chọn phần nạc thăn nguyên khối, tùy theo khối lượng giò mà sử dụng những miếng thịt to, nhỏ khác nhau.
Về công đoạn làm giò me, chị An cho biết: “Trước khi hấp, giò cần sơ chế nguyên liệu, tẩm ướp với gia vị, hạt nêm, bột ngọt và hạt tiêu cho thơm. Phần bì me để riêng, đem xay nhuyễn như giò. Trứng gà đem tráng thật mỏng, không cho gia vị, mắm muối. Giò me gồm 3 lớp. Lớp ngoài cùng là trứng, tiếp theo là lớp bì me mỏng rồi mới tới thịt me”
Sau đó, người làm giò sẽ trải một lớp trứng tráng mỏng xuống mâm, đổ lên một lớp bì me xay nhuyễn, cuối cùng cho miếng thịt me đã ướp gia vị lên trên rồi cuộn tròn lại và cho vào nồi hấp. Theo chị An, thông thường, giò muốn ngon phải hấp đạt 12h, và ngon nhất khi được hấp bằng nồi gang đun củi.
“Nhiều nơi làm ẩu, rút ngắn thời gian hấp nên bò sẽ bị ướt nước, chưa khô săn lại nên thịt giò không đậm đắc, ngọt sắc”, chị An cho hay.
Chị Thanh, một người bán giò me trên mạng tiết lộ thêm: “Giò me không hàn the có lớp bì bao quanh mềm và dai vừa phải, giống như khi mọi người nấu bì nhuyễn sao thì vậy chứ hoàn toàn không dai như một số loại giò chất lượng kém khác. Người ta cho hàn the vào giò để giò dai, giòn, ráo nước nhằm mục đích bảo quản lâu hơn. Còn bình thường, giò me có thể để được trong vòng 7 ngày”.
Hiện tại thị trường Hà Nội, giò me đang được rao bán với mức giá dao động trong khoảng từ 200 đến 300 nghìn đồng/kg tùy loại.