Cụ thể, lúc 8h sáng nay (26/6), bảng xếp hạng chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên ứng dụng AirVisual và PamAir theo thời gian thực của AirVisual xếp TP Hồ Chí Minh ở vị trí thứ 2 với mức AQI là 161, chỉ sau thủ đô Jakarta của Indonesia (195 đơn vị).
Chỉ số chất lượng không khí TP Hồ Chí Minh ở mức 161, đứng thứ 2 sau thủ đô Jakarta của Indonesia.
Trong đó, phường Thảo Điền và phường An Phú (cùng thuộc quận 2) tiếp tục là nơi có chỉ số AQI thuộc nhóm cao nhất, lần lượt là 173 và 169 đơn vị.
Ngoài ra, các điểm quan trắc trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) có chỉ số là 176, điểm đo tại đường Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận) là 171. Các điểm quan trắc còn lại có chỉ số phổ biến trên 150, chất lượng không khí ở ngưỡng kém.
Nhiều toà nhà cao tầng ở TP Hồ Chí Minh chìm trong sương mù.
Theo các chuyên gia, tình hình thời tiết tại TP mấy ngày qua diễn biến thất thường với mưa nhiều, độ ẩm tăng cao. Lý do là có sự xuất hiện của dải hội tụ nhiệt đới. Thời tiết hiện nay kết hợp khói, bụi sẽ tạo ra sương mù. Ngoài ra, do độ ẩm tăng cao khiến lớp bụi mù dễ tích tụ và lâu tan.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong sớm, khiến bệnh tim và phổi nặng hơn, các triệu chứng hô hấp gia tăng, góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe đặc biệt là trẻ em và người già. Do đó, mỗi người cần biết cách bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường, khí thải bụi mịn đang xuất hiện dày đặc.
"Thậm chí, một số nghiên cứu về các tác động khác của ô nhiễm không khí cũng cho thấy mối liên hệ đến bệnh tiểu đường, vấn đề rối loạn não bộ ở trẻ em (chẳng hạn như học kém, chậm phát triển, tự kỷ, thiếu tập trung, hoặc tăng động) và tình trạng thoái hóa thần kinh ở người lớn (bao gồm cả bệnh về não “Alzheimer”)", một chuyên gia nhấn mạnh.