Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, để cụ thế hóa các mục tiêu đề ra của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, đánh giá hiệu quả công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền TP và đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân cần phải có một hệ thống các tiêu chí có thể đo lường.
Muốn phát triển một thành phố lớn, các nước đã xây dựng một tầm nhìn phát triển đô thị để làm cơ sở cho việc xây dựng các chiến lược, mục tiêu và cả những chỉ tiêu phát triển lâu dài, có tính phân kỳ.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thăm gia đình chính sách - Ảnh: Đoàn Vũ. |
Hiện nay trên thế giới có nhiều lý thuyết về phát triển đô thị và nhiều quan điểm phát triển khác nhau như: Thành phố sống tốt, Thành phố có sức chịu đựng và phục hồi, Thành phố toàn cầu, Thành phố phát triển bền vững, Thành phố thông minh, Thành phố sức khỏe… và nhiều cách đánh giá, xếp hạng khác nhau, nhưng tựu trung lại làm sao phục vụ con người ngày càng tốt hơn, làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân được cải thiện. Tất cả những lý thuyết này là cơ sở tham khảo để có thể đề ra một tầm nhìn phát triển TP Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thực tiễn thành phố.
Với quan điểm và mục tiêu chung phát triển TP Hồ Chí Minh bền vững, việc xây dựng tiêu chí vừa mang tính chiến lược nhằm vào những vấn đề lâu dài liên tục, vừa mang tính thời sự, cấp bách. Theo đó, Bộ tiêu chí có 6 nội dung (nhóm, chiều), 25 tiêu chí (chỉ tiêu), 129 tiêu chí thành phần (chỉ tiêu thành phần), bao gồm: Nhóm Chính trị và Quản lý Nhà nước : Gồm 5 tiêu chí và 25 tiêu chí thành phần. Các tiêu chí gồm: Xây dựng chính quyền kiến tạo; cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo cuộc sống an toàn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể và hiệp hội; nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác hữu nghị.
Nhóm Kinh tế gồm 5 tiêu chí và 24 tiêu chí thành phần. Các tiêu chí gồm: Tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại; phát huy nguồn lực đầu tư từ phía người dân; hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo; tạo nhiều việc làm có chất lượng.
Nhóm Văn hóa và Xã hội gồm 5 tiêu chí và 29 tiêu chí thành phần. Các tiêu chí gồm: Xây dựng lối sống văn minh đô thị; tạo lập nhiều không gian văn hóa; giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội; phát triển thông tin và truyền thông hướng đến đô thị thông minh; phát triển thể dục thể thao.
Nhóm Y tế và Giáo dục gồm 4 tiêu chí và 22 tiêu chí thành phần. Các tiêu chí gồm: Trung tâm y tế chất lượng cao; chăm sóc sức khỏe người dân; hiện đại hóa cơ sở vật chất ngành giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhóm Đô thị và Môi trường gốm 3 tiêu chí và 20 tiêu chí thành phần. Các tiêu chí gồm: Quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị; quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật; bảo vệ tốt môi trường.
Nhóm Nghĩa tình gồm 3 tiêu chí và 9 tiêu chí thành phần. Các tiêu chí gồm: Thực hiện tốt các chính sách xã hội; hoạt động tương thân, tương trợ; tinh thần hào sảng, nghĩa hiệp, nhân hậu, dễ mến của người dân TP.
Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành một TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình là mục tiêu, mong muốn của lãnh đạo và nhân dân TP trong tiến trình xây dựng TP phát triển. Bộ Tiêu chí thể hiện tính hội nhập và phát triển, nhấn mạnh quan điểm phát triển vì cộng đồng, tạo sự đồng thuận để nhân dân cùng chính quyền chung sức thực hiện nhiệm vụ phát triển TP. Trong đó, nội hàm TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại có thể so sánh với hệ thống chung về một thành phố sống tốt của các đô thị trên thế giới, còn nội dung nghĩa tình là nét đặc trưng riêng của TP, mang đậm tính nhân văn, bản sắc văn hóa của người Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Sau khi Bộ Tiêu chí được thông qua, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cùng với các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cho từng tiêu chí cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực.