Xin nghỉ việc, không được chấp thuận
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, vào ngày 16/5, bà Nguyễn Thị Yến Trinh nộp đơn xin nghỉ việc sau khi hết nhiệm kỳ 5 năm làm Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong vào đầu tháng 9/2019 vì lý do sức khỏe và chỉ còn 2 năm là đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Đến chiều 20/5, Ban Thường vụ Đảng ủy Sở GD&ĐT đã họp và kết luận: “Không nhất trí với đơn xin nghỉ việc và sẽ làm việc trực tiếp với bà Trinh cùng tập thể chi bộ, Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong”.
Trước đó vào tháng 12/2018, bà Trinh được Sở GD&ĐT cử đi học “Lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý và nâng cao chất lượng trường công ở Đức năm 2018” bằng tiền ngân sách. Vì vậy, ngoài bà Trinh còn có ông Đỗ Minh Hoàng, nguyên Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT (hiện làm Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, quận 5) bị Hiệu trưởng một số Trường THPT làm đơn thư tố cáo gửi đến lãnh đạo UBND TP với lý do cử bà Trinh, ông Hoàng đi học lớp bồi dưỡng ở nước ngoài không đúng quy định; Sở GD&ĐT không công khai, không minh bạch về tiêu chí lựa chọn thành viên.
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, nơi bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị Yến Trinh vừa nộp đơn xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận. |
Sau khi xác minh đơn thư, đến tháng 3/2019 Thanh tra TP Hồ Chí Minh kết luận việc cử bà Trinh, ông Hoàng đi học ở nước ngoài là trái quy định của UBND TP. Vì trong năm 2018, cả 2 người này đã đi nước ngoài về việc công 2 lần (ông Hoàng đi Phần Lan và Nhật, còn bà Trinh đi Anh và Nhật). Theo khoản 2, điều 6 quy định “Về quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài” (ban hành kèm theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 27/4/2018 của UBND TP Hồ Chí Minh), nêu: “Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi nước ngoài về việc công không quá 2 lần trong 1 năm; trường hợp đặc biệt (quá 2 lần trong 1 năm và thật cần thiết cho công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị) phải xin ý kiến của Chủ tịch UBND TP”. Thanh tra TP cũng kiến nghị Chủ tịch UBND TP giao Giám đốc Sở GD&ĐT tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân tham mưu và của lãnh đạo Sở GD&ĐT có liên quan đến việc cử thành viên tham dự lớp bồi dưỡng ở Đức.
Bà Trinh đi “theo quy định”?!
Về việc bà Trinh và ông Hoàng đi nước ngoài 3 lần trong 1 năm, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng “Lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý và nâng cao chất lượng trường công ở Đức năm 2018” có 2 giai đoạn, được tổ chức bồi dưỡng kỹ năng quản lý trong nước và ngoài nước. Số lượng học viên là 50 người (25 học viên được học kỹ năng quản lý trong nước, 25 học viên bồi dưỡng kỹ năng quản lý ngoài nước). Trong quá trình xét duyệt, có 2 trường nêu trên từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2018 đã 2 lần đi công tác nước ngoài.
Sở GD&ĐT cũng viện dẫn khoản 2, điều 6 quy định 12/2018 của UBND TP và cho rằng đã gửi công văn 3508/GDĐT-TC ngày 5/10/2018 báo cáo UBND TP, công văn 3730/GDĐT-TC gửi Sở Nội vụ về trường hợp 2 công chức nêu trên. Ngày 8/11/2018, UBND TP ban hành quyết định 5012/QĐ-UBND về việc cử đoàn công chức đi học khóa bồi dưỡng kỹ năng quản lý và nâng cao chất lượng trường công tại Đức năm 2018. “Như thế việc cử 23 người đi học tập tại Đức là đúng quy định. Trong đó, cả hai trường hợp trên cũng đã được UBND TP cử đi theo quy định”, Sở GD&ĐT khẳng định.
Việc Sở GD&ĐT cho rằng cử bà Trinh, ông Hoàng đi học ở nước ngoài bằng tiền ngân sách là “theo quy định” trong khi Thanh tra TP khẳng định 2 người này đi nước ngoài về việc công 3 lần trong 1 năm là trái quy định. Như vậy dư luận có quyền thắc mắc: Bà Trinh đi “theo quy định” là quy định gì? Bà Trinh vừa được cử đi bồi dưỡng ở nước Đức cách đây 6 tháng. Nay bỗng nộp đơn xin nghỉ việc, có lãng phí tiền ngân sách? Hiệu quả cho xã hội từ việc bà Trinh được cử đi học thế nào? Vì sao Sở GD&ĐT không chấp nhận đơn xin nghỉ việc của bà Trinh? Phải chăng do bà Trinh là vợ của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh?
Được biết bà Nguyễn Thị Yến Trinh từng làm Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5). Đến năm 2014, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Đây là ngôi trường có bề dày về thành tích đào tạo người tài của TP Hồ Chí Minh.
Không công khai trên web vì chỉ có 5 ngày! Sau khi bị Thanh tra TP làm việc về đơn tố cáo, Sở GD&ĐT có văn bản giải trình với Thanh tra TP về việc chọn các thành viên tham dự lớp bồi dưỡng ở Đức, như sau: “Do thời gian Sở Nội vụ yêu cầu Sở GD&ĐT lập danh sách tham dự quá ngắn (5 ngày kể từ ngày Sở GD&ĐT nhận được kế hoạch của Sở Nội vụ) nên chưa thực hiện công khai tiêu chí lựa chọn trên trang web của Sở GD&ĐT để các cán bộ quản lý được biết và góp ý”! Trước đó vào cuối năm 2018, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra ngẫu nhiên 8 Trường THPT tại thành phố, trong đó có Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Công tác kiểm tra tập trung việc cho thuê trụ sở làm việc (nhà, đất), liên kết đào tạo, hợp đồng khai thác bãi xe, khai thác căn tin. Qua kiểm tra, Thanh tra TP nhận định Ban Giám hiệu nhà trường chưa thực hiện xây dựng đề án sử dụng tài sản (sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, mục đích liên doanh, liên kết) để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Nhà nước. |