Bộ LĐTB&XH đã thông tin về việc nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ LĐTB&XH cho biết, cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho hơn 3,8 triệu người với tổng số tiền khoảng 32.000 tỷ đồng/năm. Ảnh minh họa: Thủy Trúc
Theo đó, năm 2024 ngành LĐTB&XH triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2024 theo quy định tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP là 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9% so với mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (360.000 đồng/tháng).
Một số tỉnh, TP quy định mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn quy định là Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng.
Hiện nay, cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho hơn 3,8 triệu người với tổng ngân sách chi trả trợ cấp xã hội khoảng 32.000 tỷ đồng/năm. Theo Bộ LĐTB&XH, chính sách trợ giúp xã hội được tổ chức thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và công khai, minh bạch.
Hiện nay, ngành LĐTB&XH đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt, số đối tượng bảo trợ xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là 2.254.951 người; số đối tượng bảo trợ xã hội đã được chi trả qua tài khoản là 2.114.796 người (chiếm 93,78% tổng số đối tượng bảo trợ xã hội có tài khoản). Tổng kinh phí đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến đối tượng từ tháng 1/2023 đến cuối năm 2024 là gần 12.123 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bộ LĐTB&XH thực hiện kịp thời công tác cứu trợ khẩn cấp cho người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lụt bão, thảm họa. Trong năm 2024, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 8 quyết định hỗ trợ 16.545,62 tấn gạo cho 187.864 lượt hộ gia đình với 1.089.708 nhân khẩu tại 30 tỉnh.
Đến nay, hàng triệu người cao tuổi, người khuyết tật và các nhóm đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm, tạo sinh kế, thu nhập để ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, người cao tuổi được chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội. Người khuyết tật được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, chỉnh hình, trị liệu, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, có cơ hội phát triển, bình đẳng.
Cho đến nay, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói. Khoảng 91% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời. 91% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời, đạt mục tiêu.