Không có căn cứ để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Luật sư Hồ Ngọc Diệp. |
Điều 127 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định: cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được tòa án giải quyết.
Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, trong vụ án này, việc Báo Giao thông tiếp tục đăng tải các bài viết liên quan đến công ty Thành Bưởi, có làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hay quyền lợi của công ty không? Và, việc báo chí đăng tải thông tin về những sai phạm của một công ty nào đó, có thuộc đối tượng áp dụng biện pháp KCTT của tòa án không?
Mặc dù cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích cụ thể, thế nào là “ có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án”. Tuy nhiên, theo tinh thần chung của điều luật, cụm từ “ có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” được hiểu, là những trường hợp mà nếu tòa án không áp dụng biện pháp KCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”, thì sẽ không bảo toàn được tình trạng hiện có của đối tượng đang tranh chấp cũng như không đảm bảo được việc thu thập hay bảo vệ chứng cứ nói chung. Và như vậy, việc xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí không thể thực hiện được.
Trong trường hợp này, phía nguyên đơn là công ty Thành Bưởi đã có đơn khởi kiện báo Giao thông, và phạm vi khởi kiện trong vụ án này cũng đã được xác định bằng những thông tin, bài viết cụ thể mà nguyên đơn cho rằng, có nội dung sai lệch, không đúng sự thật... vì vậy, việc báo Giao thông tiếp tục đăng tải các bài viết khác liên quan đến hoạt động của công ty, không nằm trong phạm vi khởi kiện của vụ án mà TAND quận 5 đang thụ lý giải quyết.
Vì những thông tin, bài viết mới này, không liên quan đến phạm vi khởi kiện của vụ án, nên cũng không có căn cứ để cho rằng, có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án theo quy định tại điều 127 BLTTDS.
Trường hợp công ty Thành Bưởi cho rằng, những thông tin, bài viết tiếp theo của báo Giao thông cũng có nội dung sai lệch, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, thì có thể khởi kiện bổ sung hoặc khởi kiện bằng một vụ án khác. Ngoài ra, không có căn cứ để áp dụng biện pháp KCTT trong trường hợp này.
Tòa không có quyền cấm hoạt động xuất bản báo chí
Điều 43 Luật báo chí quy định: Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình thì có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án.
Trường hợp không nhất trí với ý kiến phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí vẫn phải đăng, phát ý kiến phản hồi đó và có quyền thông tin tiếp để làm rõ quan điểm của mình.
Sau ba lần đăng, phát ý kiến phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà không có sự nhất trí giữa hai bên thì cơ quan báo chí có quyền ngừng đăng, phát; cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu cơ quan báo chí ngừng đăng, phát thông tin của các bên có liên quan.
Từ các quy định nêu trên cho thấy, chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí mới có thẩm quyền yêu cầu cơ quan báo chí ngừng đăng, phát thông tin của các bên có liên quan. Và, việc yêu cầu ngừng đăng, phát thông tin này, chỉ được thực hiện khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến phản hồi bằng văn bản gửi đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí hay cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí trước khi khởi kiện vụ việc ra tòa.
Như vậy, khác với những hành vi của các chủ thể khác trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, việc xuất bản tin, bài của cơ quan báo chí nói chung, không phải là đối tượng để tòa án có thể áp dụng các biện pháp KCTT theo quy định của BLTTDS, mà nó chỉ có thể bị hạn chế trong một số trường hợp theo quy định của Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc TAND quận 5 buộc báo Giao thông không được tiếp tục đăng bài viết về hoạt động của công ty Thành Bưởi đã tạo ra một tiền lệ xấu trong áp dụng pháp luật. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải làm rõ để có một kết luận chính thức về sai phạm này, nhằm tránh sự tái diễn trong những tình huống pháp lý tương tự.
Trước đó, báo Giao thông (Cơ quan của Bộ Giao thông vận tải) đã đăng tải các loạt bài liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi (hãng xe Thanh Bưởi – có trụ sở tại 266 – 268, phường 4, quận 5, TP.HCM) có hành vi “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước”. Cho rằng nội dung các bài báo của báo Giao thông không đúng sự thật, gây thiệt hại cho mình, hãng xe Thành Bưởi đã khởi kiện báo Giao Thông tại Tòa án Nhân dân quận 5 đòi “Bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín”. Và ngày 23/3, Thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của nguyên đơn, buộc báo Giao Thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức báo khác các bài báo mới liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề “‘xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước” trong quá trình tòa giải quyết vụ án cho đến khi tòa án giải quyết vụ án xong. Tuy nhiên đến ngày 28/3, Thẩm phán Bích đã ra quyết định hủy quyết định áp dụng viện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên cũng theo đơn yêu cầu của nguyên đơn. |