Theo đó ngày 23/3, Thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích (thuộc Tòa án Nhân dân quận 5, TP.HCM) đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 72/2017/QĐ-BPKCTT đối với báo Giao thông nhằm cấm báo này “không được đăng tải trên báo mạng, báo in hoặc các hình thức báo khác các bài báo liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước” trong quá trình giải quyết vụ án, cho đến khi Tòa án giải quyết xong vụ án”.
Bãi xe Thành Bưởi trên đường Lê Hồng Phong, quận 5, TP HCM - Ảnh: báo Giao thông. |
Trước đó, báo Giao thông (Cơ quan của Bộ Giao thông vận tải) đã đi đầu trong việc chống tiêu cực, trong đó có đăng tải các loạt bài liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi (hãng xe Thanh Bưởi – có trụ sở tại 266 – 268, phường 4, quận 5, TP.HCM). Qua quá trình điều tra, các bài báo đã đưa ra chứng cứ cho rằng, hãng xe Thành Bưởi đã thực hiện các hành vi “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước”.
Cho rằng nội dung các bài báo của báo Giao thông không đúng sự thật, gây thiệt hại cho mình, hãng xe Thành Bưởi đã khởi kiện báo Giao Thông tại Tòa án Nhân dân quận 5 đòi “Bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín”. Và Thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên theo đơn yêu cầu của hãng xe Thành Bưởi.
Phiếu thông tin mà nhà xe Thành Bưởi đưa cho khách hàng sau đó thu tiền trên xe - Ảnh: báo Giao thông. |
Việc ban hành quyết định này đã gặp sự phản ứng quyết liệt của giới luật sư.
Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP. Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng: “Nguyên đơn khởi kiện cơ quan báo chí, tức là kiện những tác phẩm báo chí đã đăng tải mà nguyên đơn cho rằng báo đăng sai làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình. Cho nên phạm vi giải quyết vụ án chỉ liên quan đến những bài đã đăng. Việc tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tam thời cấm cơ quan báo chí đăng bài mới về vụ việc của nguyên đơn theo qui định tại Điều 127 Bộ luật tố tụng dân sự, tôi cho rằng, là có nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật.
Cần phải xác định một tác phẩm báo chí mới khi được xuất bản sẽ có một mối quan hệ pháp luật độc lập với đối tượng báo nêu so với tác phẩm cũ đã đăng. Tức việc ra đời bài báo mới không thể xem là hành vi (HV) ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết. Hành vi có thể bị cấm trong phạm vi ảnh hưởng ở đây phải là HV gắn liền và không có tính độc lập với HV đang bị kiện. Chẳng hạn như ông A bị kiện vì xây nhà trên đất bà B nên hành vi tiếp tục xây nhà của ông A thuộc trường hợp bị cấm thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nhiên không thể ra quyết định buộc ông A cấm đào hầm trên đất vì nó là HV độc lập với HV bị kiện và bản thân HV này có thể bị kiện ở một vụ án khác. Tương tự, tính độc lập của bài báo mới so với bài báo đang bị kiện (mặc dù viết cùng đề tài) không thể thuộc phạm vi cấm thực hiện”.
Luật sư Dũng khẳng định Tòa án quận 5 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm việc tác nghiệp và đưa tin hợp pháp của báo Giao thông về những sai phạm của hãng xe Thành Bưởi là không phù hợp với quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên.
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 72/2017/QĐ-BPKCTT. |
Cũng đồng quan điểm với Luật sư Dũng, Luật sư Trương Nguyễn Công Nhân (Công ty Luật TNHH Nhân Việt – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), nhận định: “Căn cứ Điểm d Khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí 2016 quy định về Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí thì báo chí có quyền “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Đây là hoạt động nghề nghiệp hợp pháp của cơ quan báo chí.
Theo quy định tại điểm 2.1 Mục 2 Nghị quyết 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, chỉ khi có đầy đủ các điều kiện sau đây đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện thì cá nhân, cơ quan, tổ chức mới có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 102 Bộ luật TTDS 2004 (hiện nay là Điều 114 của Bộ luật TTDS 2015): “a. Do tình thế khẩn cấp, tức là cần phải đ¬ược giải quyết ngay, không chậm trễ; b. Cần phải bảo vệ ngay bằng chứng trong tr¬ường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập đ¬ược; c. Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (có thể là hậu quả về vật chất hoặc phi vật chất)”.
Do đó, việc Tòa án Nhân dân Quận 5 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 72/2017/QĐ-BPKCTT, ngày 23/3/2017 đối với báo Giao thông nhằm cấm việc tác nghiệp và đưa tin hợp pháp của báo Giao thông là không phù hợp với quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên”.