Số thí sinh được “sửa, nâng điểm” toàn con lãnh đạo, nhà giàu
Vậy phải xử lý như thế nào đối với những phụ huynh và các thí sinh liên quan việc sửa, nâng điểm thi?
Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết trước hết cần xác định động cơ, mục đích và quyền lợi vật chất, phi vật chất của những đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi sửa nâng điểm. Từ đó mới xác định có hay không hành vi đưa và nhận hối lộ theo điều 364, 354 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Luật sư Trần Thị Ánh. |
Cụ thể: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác, hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích, hoặc theo yêu cầu là có dấu hiệu tội đưa hối lộ. Còn người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận, hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người, hay tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ cũng sẽ bị tội nhận hối lộ”.
Cũng theo luật sư Ánh, điều bất thường ở đây, số thí sinh được nâng điểm đa phần là con lãnh đạo, con cán bộ và con nhà giàu! Vì vậy dư luận có quyền nghi ngờ đã có việc “chạy điểm” là có căn cứ. Bởi không có trường hợp nào xảy ra đối với thí sinh là con nhà nghèo.
“Nếu đã xác định có việc chạy điểm, rõ ràng người chạy điểm đã rơi vào trường hợp đưa hối lộ. Bởi lẽ, trong vụ án sửa nâng điểm, bị can Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS-THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã khai hưởng lợi 550 triệu đồng. Vậy các bị can khác ở các tỉnh khác thế nào, có nhận tiền không? Còn nếu các thí sinh trực tiếp thực hiện hành vi chạy điểm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đây là kỳ thi THPT Quốc gia, đa phần các thi sinh đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Trần Thị Ánh, phân tích.
Không đưa số báo danh của con mình, sao cán bộ biết sửa điểm?
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến. |
Còn luật sư Dương Vĩnh Tuyến, Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), nhận định: Hành sửa điểm (lỗi cố ý trực tiếp) của các thầy cô giáo có dấu hiệu của tội “Giả mạo trong công tác” theo điều 359 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với tình tiết định khung tại điểm a khoản 1 (sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu), cụ thể làm sai lệch điểm thi; điểm a khoản 2 (có tổ chức); điểm a khoản 4 (làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên).
“Đối với phụ huynh của học sinh, nếu họ có hành vi tác động (bao gồm tác động trực tiếp hoặc gián tiếp) đến các thầy cô giáo để sửa điểm, có nghĩa những phụ huynh đó đồng phạm. Bởi lẽ nếu họ không đưa họ và tên, số báo danh của con em họ thì làm sao các cán bộ trong tổ chấm thi biết đó là con của ai để sửa? Còn đối với học sinh, nếu đã biết điểm thi của mình thấp (không đủ chuẩn xét tuyển đại học) nhưng sau đó vẫn được xét tuyển, buộc học sinh phải biết mình đã được nâng sửa điểm cho đủ chuẩn. Trong trường hợp này các học sinh đó cũng đồng phạm. Nếu không biết điểm thi thực tế, không biết có sự nâng sửa điểm..., thì không phạm tội”, luật sư Dương Vĩnh Tuyến, nêu quan điểm.