Cụ bà 97 tuổi đến tòa để đòi công lý
Chiều mai 8/6, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất (quyền về lối đi qua) sau nhiều lần tạm dừng. Trước đó tại phiên tòa ngày 21/5, sau phần hỏi, luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy – Trinh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là cụ Hồ Thị Giỏi (SN 1924) và người có quyền và nghĩa vụ liên quan Trần Ngọc Hương đã khơi ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nên phiên tòa phải tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu.
Cụ Hồ Thị Giỏi (thứ 2 từ trái sang) dù đã 97 tuổi, nhưng nhất định đến phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Bình Dương xét xử để đòi công lý.
Đến phiên tòa ngày 27/5, khi được chủ tọa hỏi, cụ Giỏi khẳng định: “Khi mua đất đã có đường vào rộng 4m, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSDĐ) đất cũng thể hiện đường đi 4m. Tôi hỏi bà Nước đã thừa nhận nên tôi mới mua. Tôi đến dự phiên tòa này nhằm đòi công lý”. Sau đó, phiên tòa kéo dài khoảng 2 tiếng thì cụ Giỏi mệt nên xin về, HĐXX quyết định dừng phiên tòa.
Tại tòa, bà Trần Ngọc Hương (con gái cụ Nguyễn Thị Nước là bị đơn, SN 1935, hiện đã mất) hỏi ông Trần Quang Minh (em bà Hương), đại diện bị đơn: “Năm 2006 mẹ chia đất cho các anh chị em trong nhà. Năm 2008, mọi người tổ chức làm đường sao không khiếu nại mà phải chờ đến năm 2018 khi ông xây lấn đường đi chung mới khiếu nại? Nếu mẹ cho đất không cho đường, thì đi bằng cách nào?”. Ông Minh không trả lời mà chỉ nói: Chị tự hiểu.
Còn bà Trần Ngọc Châu (chị ruột ông Minh) bức xúc nói: “Lối đi chung 4m từ trong ra ngoài đã được mẹ đồng ý từ khi tặng, cho đất. Vì vậy, tờ di chúc của mẹ để lại tài sản cho ông Trần Quang Thái (em bà Hương, Châu) là có vấn đề, do trong đó có cả diện tích lối đi chung đã được mẹ đồng ý. Mặt khác, các chị em trong nhà là những người thường xuyên chăm sóc mẹ lúc ốm đau nhưng không biết mẹ lập di chúc từ lúc nào, không biết có tờ di chúc này. Chỉ đến khi mẹ chết, ông Minh mới trình ra nên không đáng tin”.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, luật sư Nguyễn Duy Bình cho biết sau khi cụ Giỏi và bà Hương kháng cáo thì bị đơn là cụ Nước chết. Tại tòa phúc thẩm, ông Minh cung cấp bản di chúc của cụ Nước để lại toàn bộ phần nhà đất 304m2 cho con là ông Thái, trong đó có phần đất thuộc lối đi đang tranh chấp. Phía nguyên đơn và một số người con gái của bà Nước cho rằng di chúc do mẹ lập không hợp pháp, do chưa có sự đồng ý của những người con riêng của ông Liêm (chồng bà Nước, 2 người chưa ly hôn, ông Liêm chết năm 2009). Hồ sơ kê khai, đăng ký và xin cấp sổ đỏ thể hiện năm 2001 bà Nước làm đơn xin kê khai đăng ký sử dụng đất cho hai vợ chồng. Đến 2003, UBND thị xã Thủ Dầu Một cấp sổ đỏ cho hộ gia đình bà Nước. Năm 2009 ông Liêm chết, ngoài các người con chung với bà Nước, ông Liêm còn có 3 người con riêng.
Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng ở cấp tòa sơ thẩm?
Luật sư Nguyễn Duy Bình khẳng định trong vụ kiện này tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng nhiều thủ tục tố tụng. Cụ thể, tòa án cấp sơ thẩm công nhận tư cách đại diện theo ủy quyền của ông Minh trái pháp luật. Căn cứ theo “Giấy ủy quyền” của bà Nước chỉ có điểm chỉ của bà Nước, không có người làm chứng nhưng được UBND phường Chánh Nghĩa chứng thực theo thủ tục chứng thực chữ ký là không đúng quy định vì bà Nước không biết đọc, biết viết. Theo quy định tại điểm c khoản 4 điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ quy định UBND cấp xã có thẩm quyền “Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật” và thủ tục chứng thực điểm chỉ lăn tay cũng được áp dụng tương tự. Tuy nhiên, tại điểm c khoản 4 nêu trên quy định chỉ được phép chứng thực trong “Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập”. Còn trường hợp này cá nhân bà Nước không tự lập văn bản ủy quyền vì bà Nước không biết đọc biết viết, văn bản do người khác lập nên UBND cấp xã không có quyền chứng thực theo thủ tục chứng thực chữ ký mà phải chứng thực theo thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch theo quy định tại khoản 3 điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP: “Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 2 người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch”. Chính vì vậy, UBND phường Chánh Nghĩa không có quyền chứng thực theo thủ tục chứng thực chữ ký. Do đó “Giấy ủy quyền” của bà Nước ủy quyền cho ông Minh không có giá trị pháp lý, ông Minh không có quyền đại diện cho bà Nước (bị đơn) tham gia tố tụng.
Ngoài ra, nguyên tắc chứng thực chữ ký, điểm chỉ là văn bản lập lúc nào, chứng thực lúc đó. Trường hợp này văn bản ủy quyền thể hiện lập ngày 29/2/2019, nhưng chứng thực ngày 29/11/2019 (cách nhau 9 tháng). Do đó, ông Minh không có quyền đại diện cho bị đơn, nhưng vẫn được toà sơ thẩm đưa vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đây là một trong các căn cứ quan trọng nhất để tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm.
Luật sư Nguyễn Duy Bình còn cho rằng tòa cấp sơ thẩm thụ lý đơn yêu cầu phản tố của phía bị đơn cũng có dấu hiệu trái pháp luật vì “Đơn khởi kiện (Phản tố)” của bị đơn cũng được UBND phường Chánh Nghĩa chứng thực theo thủ tục chứng thực chữ ký. Trong khi pháp luật quy định nếu người yêu cầu chứng thực không biết đọc, biết viết, không tự lập văn bản thì phải chứng thực theo quy định chứng thực hợp đồng, giao dịch và phải có hai người làm chứng.
Cụ Giỏi được con gái đưa đến tòa án
Mặt khác, theo “Đơn khởi kiện (Phản tố)” ngày 3/4/2019, do ông Minh nộp cho tòa cấp sơ thẩm và lời khai của ông Minh tại tòa án phúc thẩm ngày 21/5/2021 khai rằng đơn phản tố được đánh máy nhưng có dòng chữ viết tay “Giá trị đất tạm tính: 32.075.000 đồng” do ông Minh ghi thêm khi nộp cho tòa. Lẽ ra, khi đơn phản tố chưa nêu tổng giá trị QSDĐ phần đất tranh chấp thì tòa án phải yêu cầu bà Nước sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật TTDS. Việc ông Minh tự ý bổ sung, sửa chữa đơn yêu cầu phản tố là trái pháp luật, không hợp pháp nhưng tòa án đã thụ lý trái quy định Bộ luật TTDS.
Ngoài ra, theo nội dung đơn phản tố, phía bị đơn là bà Nước đã thể hiện ý chí của mình: “Đồng ý để ra 1,5m đất chiều ngang và 54,3m đất chiều dài với tổng diện tích 84,4m2 để làm lối đi chung cho bà Hương, bà Lệ, bà Giỏi, ông Thái” và nêu giá đất theo khung giá 480.000 đồng/m2 nhưng không có nội dung nào thể hiện yêu cầu những người trên bồi hoàn phần giá trị QSDĐ đối với diện tích này. Lẽ ra, khi xem xét đơn phản tố, tòa sơ thẩm phải hỏi rõ bị đơn có yêu cầu bồi hoàn hay không, nếu có thì yêu cầu phía bị đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu phản tố theo quy định. Do đó đơn yêu cầu phản tố có yêu cầu chưa rõ ràng nhưng tòa cấp sơ thẩm vẫn thụ lý, giải quyết và buộc phía nguyên đơn và những người liên quan bồi thường phần diện tích này là trái quy định, thiếu chính xác.
Đồng thời, toà án cấp sơ thẩm không triệu tập nhiều người có liên quan tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Cụ thể, bà Nguyễn Phương Hồng Gấm (vợ ông Trần Quanh Thái) là đồng chủ sở hữu một phần nhà đất có lối đi chung. Hồ sơ cho thấy giấy CNQSDĐ của ông Thái được cấp trong thời kỳ hôn nhân, về nguyên tắc chung bà Gấm là đồng sở hữu, sử dụng nhà đất và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Hơn nữa, bà Gấm là “Người làm chứng” vì biết rõ việc hình thành lối đi chung hiện đang tranh chấp. Bên cạnh đó, tòa án cấp sơ thẩm chưa triệu tập các chủ đất cũ là bà Trần Lệ Hoa, Trần Thúy Phượng, Lê Văn Lợi tham gia tố tụng để làm rõ nguồn gốc, cơ sở hình thành lối đi chung, xác định quyền và nghĩa vụ liên quan của họ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì những người này là người chuyển nhượng những phần đất đã có lối đi chung cho nguyên đơn Hồ Thị Giỏi và bà Lý Ngưng Lệ.