Thông tin bất ngờ về nhóm người trên xe tải 37C-041.77
Ngày 17/11, trên mạng xã hội chia sẻ clip dài 10 phút kèm theo lời tố cáo CSGT Bình Định đuổi theo, dừng xe giữa đường không đảm bảo an toàn giao thông. Khi dừng xe, CSGT không yêu cầu xuất trình giấy tờ mà lại thách thức, hăm dọa lái xe… Sau đó, hai bên đã đánh nhau.
Trao đổi với báo chí, Trung tá Nguyễn Trần Xuân Vương, Trạm trưởng Trạm CSGT Tuy Phước (Phòng CSGT tỉnh Bình Định) khẳng định nội dung clip trên không đúng với sự việc đã diễn ra.
Cảnh xô xát giữa CSGT với nhóm người trên xe tải - Ảnh cắt từ clip - NLĐ. |
Theo Trung tá Vương, tối 7/11, tổ CSGT trực trên QL1, đoạn trước trụ sở Trạm CSGT Tuy Phước (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), phát hiện xe tải 37C-041.77 chở bò, trên xe có 4 người (vượt 2 người so với quy định) lưu thông theo hướng Nam - Bắc nên đã yêu cầu dừng lại kiểm tra. Tuy nhiên, lái xe không chấp hành mà bỏ chạy.
Sau đó, lãnh đạo Trạm CSGT Tuy Phước thông báo cho tổ CSGT đang tuần tra trên QL1 đoạn phía Bắc tỉnh Bình Định chặn xe tải trên để xử lý. Đến khoảng 0 giờ 30 phút ngày 8/11, tổ CSGT phát hiện xe vi phạm đang lưu thông trên QL1 đoạn thuộc địa bàn huyện Phù Mỹ nên yêu cầu dừng để kiểm tra nhưng lái xe không chấp hành mà tiếp tục bỏ chạy.
Thấy vậy, 2 thành viên tổ công tác là Trung tá Trần Chí Dũng và Đại úy Lê Thành Tấn lên xe tuần tra đuổi theo, ép xe tải vào lề đường buộc phải dừng lại. Đại úy Tấn yêu cầu lái xe tải xuống xe, xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Tuy nhiên, những người trên xe tải không chấp hành mà còn có những lời lẽ xúc phạm người thi hành công vụ.
Nói xong, nhóm người trên xe tải mở cửa kính, lấy điện thoại ra quay phim. Thấy vậy, Đại úy Tấn dùng đèn pin chĩa thẳng lên kính. Do không quay phim được nên 2 người trên xe tải đã mở cửa, bước xuống. Hai bên tranh cãi rồi xảy ra đánh nhau giữa Đại úy Tấn với 3 người trên xe tải. "Do lực lượng CSGT lúc đó chỉ có 2 người, trong khi đó nhóm trên xe tải có 4 người hung hăng nên 2 CSGT phải lên xe để đi, không xử lý được…", Trung tá Vương cho hay.
Đáng chú ý, theo báo Người Lao Động, trước khi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT tỉnh Bình Định, nhóm người trên xe tải cũng có hành vi tương tự với CSGT tỉnh Phú Yên.
Theo đó, khoảng 19 giờ tối 7/11, nhóm người trên xe tải BKS 37C - 041.77 cũng không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT tỉnh Phú Yên. Lực lượng CSGT tỉnh Phú Yên dùng xe tuần tra đuổi theo chặn lại, nhóm người này dừng xe nhưng không chịu xuất trình giấy tờ liên quan theo yêu cầu mà chỉ tranh cãi với CSGT rồi bỏ đi.
Đến chiều 8/11, nhóm người trên xe tải này cũng có hành động tương tự khi CSGT tỉnh Hà Tĩnh chặn xe lại kiểm tra lỗi vi phạm.
Chở vượt số người, bị CSGT 3 tỉnh miền Trung rượt đuổi, tài xế nói gì?
Ngày 19/11, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định cho biết đã xác minh thông tin chủ xe và tài xế liên quan đến clip "CSGT đánh nhau với tài xế". Theo đó, chủ xe tải BKS 37C - 041.77 là Trần Đức Hiệp (SN 1986; ngụ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Đây là xe tải có mui, tải trọng vận chuyển cho phép 18,2 tấn, số chỗ ngồi trên xe 2 người. Lái xe là Nguyễn Bá Hoài (SN 1985; ngụ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
Cũng trên báo Người Lao Động, tài xế Nguyễn Bá Hoài đã "phản pháo" những thông tin CSGT tỉnh Bình Định cung cấp cho báo chí. Theo Hoài, tối 7/11, anh điều khiển xe tải BKS 37C - 041.77 chở bò, đi trên QL1 theo hướng từ Phú Yên về Bình Định. Trên xe lúc này có 3 người, trong đó gồm Hoài, chủ hàng và một người đàn ông nữa.
Tài xế Hoài trong lúc làm việc với CSGT Phú Yên sau khị bị đuổi theo buộc dừng xe để kiểm tra giấy tờ - NLĐ. |
Đến khoảng hơn 0 giờ ngày 8/11, khi đến địa bàn huyện Phù Mỹ (Bình Định), xe anh Hoài bất ngờ bị xe tuần tra của CSGT Bình Định đuổi theo, sau đó ép vào lề đường. Sau khi dừng, một CSGT đi vòng quanh xe kiểm tra, còn Hoài xuống đất lấy điện thoại đi theo quay phim.
"Sau một hồi tìm không thấy lỗi, anh CSGT lao đến giật điện thoại tôi đang quay phim vứt xuống đất làm vỡ màn hình rồi đánh tôi. Lúc này, chủ hàng xuống xe can thiệp. Sau đó, chúng tôi cố tình giữ các anh CSGT lại để gọi nhà báo đến chứng kiến nhưng các anh đã bỏ chạy. Bức xúc, tôi gọi đến đường dây nóng của Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định phản ánh vụ việc, người nghe máy ghi nhận rồi hứa sẽ kiểm tra rồi phản hồi. Tuy nhiên, do chờ 10 ngày không thấy họ phản hồi nên tôi mới đăng clip lên mạng…", Hoài cho hay.
Giải thích về thông tin trong 2 ngày 7 và 8/11, ngoài CSGT tỉnh Bình Định, người điều khiển xe tải BKS 37C - 041.77 còn không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT 3 tỉnh Phú Yên, Quảng Trị, Hà Tĩnh nên đã bị CSGT các tỉnh này đuổi theo dừng xe lại; Hoài cho biết khi đi qua các địa phương này, anh không thấy CSGT tỉnh nào ra tín hiệu dừng xe nên cứ thế đi. "Trong suốt hành trình, xe tôi không có vi phạm gì nên CSGT không có quyền dừng xe", Hoài nói.
Có hay không việc khai khống thiệt hại đòi CSGT bồi thường?
Theo hồ sơ chúng tôi có được, ngày 26/11/2018, tài xế Nguyễn Bá Hoài có "Đơn khiếu nại" gửi tới: Giám đốc Công an tỉnh Bình Định; Thanh tra Bộ Công an và Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định. Bên cạnh việc trình bày sự việc, tài xế Hoài yêu cầu phải trả lời nhiều thông tin về kế hoạch tuần tra của tổ CSGT; CSGT cung cấp thông tin cho báo chí sai sự thật;…
Đặc biệt, tài xế Hoài yêu cầu tổ công tác Trạm CSGT Tuy Phước bồi thường toàn bộ những thiệt hại: 01 điện thoại iPhone Xs Max 512GB trị giá 45.000.000 đồng; Chi phí nhờ tư vấn, đi lại 10.000.000 đồng; Chi phí nhờ người đại diện 60.000.000 đồng; Chi phí thuê xe đưa rước người đại diện 15.000.000 đồng. Tổng thiệt hại tạm tính là 130.000.000 đồng.
Tài xế yêu cầu CSGT bồi thường thiệt hại, cho biết về khả năng sẽ khiếu naị lên cấp cao hơn... |
Sau đó, ngày 27/12/2018, làm việc với tổ xác minh Công an tỉnh Bình Định tại Nghệ An, Nguyễn Bá Hoài - người gửi đơn khiếu nại đã tiếp tục yêu cầu tổ công tác CSGT phải đền bù tiền cước 22 triệu đồng (trễ thời gian giao hàng).
Nguyễn Bá Hoài cam đoan toàn bộ nội dung cung cấp hoàn toàn đúng sự thật; sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo tài liệu liên quan tới vụ việc, về thiệt hại 01 điện thoại iPhone Xs Max 512GB trị giá 45.000.000 đồng, tài xế Hoài trình bày: "Cách đây khoảng 3 tháng (tháng 9/2018) tôi có mua ở Hà Nội với giá 45.000.000 đồng (mua tại một tiệm điện thoại tư nhân; mới hoàn toàn; có thẻ bảo hành; có xuất hóa đơn tên Nguyễn Bá Hoài; Mua tại vị trí nào, đường nào thì bây giờ tôi không nhớ; Điện thoại này sau khi xảy ra sự việc thì tôi gửi cho người bạn tên Th. (081025xxx) nhờ đem lên Hà Nội sửa nhưng không sửa được; Bây giờ không biết điện thoại còn hay mất;…"
Đặc biệt, về số tiền 22.000.000 đồng yêu cầu đền bù chi phí tiền cước, Nguyễn Bá Hoài trình bày: "Xe tôi di chuyển đến Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đậu xe đậu xe ở đó đến gần buổi trưa ngày 8/11/2018."
Tuy nhiên, các tài liệu của chúng tôi cho thấy: Xe của Hoài điều khiển đã qua trạm BOT Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cách nơi xảy ra sự việc 100km vào lúc 03h52 phút ngày 8/11/2018. Như vậy, thực tế này mâu thuẫn với thông tin Nguyễn Bá Hoài cung cấp trong bản tự khai (!?).
Từ những "mâu thuẫn" trên, dư luận hiện đang đặt nghi vấn Nguyễn Bá Hoài khai khống thiệt hại, khai man với cơ quan công an.
Đặc biệt, trong đơn khiếu nại ngày 26/11/2018 tài xế Hoài yêu cầu bồi thường thiệt hại tới 130.000.000 đồng. Tiếp đó, ngày 27/11/2018, tài xế đòi bồi thường thêm 22.000.000 đồng do thiệt hại về cước phí vận chuyển. Đơn của tài xế Hoài đã thể hiện nơi được gửi tới là 03 cơ quan: Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, Thanh tra Bộ Công an và Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định...
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Bá Nhiên