Đồng thời với vụ án Võ Văn Minh (án sơ thẩm tuyên 7 năm tù giam về tội cưỡng đoạt tài sản), Tân Hiệp Phát còn vướng mắc với một vụ kiện dân sự bởi nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thu Hà (ngụ tại P. Trảng Dài, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) kiện đòi bồi thường. Hai vụ việc này, câu chuyện gần như hoàn toàn giống nhau nhưng một bên là tống tiền, còn bên kia là bồi thường dân sự. Giữa hai quan hệ này cách nhau một lằn ranh vô cùng mỏng manh, chỉ cần “sơ ý bước qua” là thành tội phạm.
Ông Minh đã bị cơ quan công an băts giữ và biij tòa tuyên án hành vi tống tiền. |
Khi gặp phải chai nước có con ruồi, ông Võ Văn Minh đã liên lạc với Tân Hiệp Phát để yêu cầu thỏa thuận đổi chai nước lấy 500 triệu đồng. Hai bên nhiều lần bàn bạc, mặc cả số tiền. Cuối cùng… cơ quan chức năng lập biên bản bắt quả tang hành vi tống tiền và truy tố Minh tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tương tự, cũng gặp phải chai nước có con ruồi, bà Nguyễn Thị Thu Hà liên hệ với Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai. Cơ quan này mời hai bên hòa giải một lần và sau đó hai bên tự liên lạc và mặc cả số tiền. Ngay khi nhận tiền, bà Hà cũng bị cơ quan công an lập biên bản quả tang nhưng khi lấy lời khai xong CA tỉnh Đồng Nai đã xác định không phải tống tiền mà quan hệ dân sự đòi bồi thường. Cả hai người đều bị Tân Hiệp Phát tố cáo lên cơ quan công an từ trước khi họ nhận tiền.
Hai vụ việc khác nhau ở một điểm nhỏ. Đó là ông Minh không gửi đơn lên cơ quan chức năng mà tự mình liên lạc dẫn đến có những lời lẽ không đúng mức, vượt qua giới hạn so với trường hợp bà Hà. Đây chính là mấu chốt của hành vi tống tiền. Hành vi này được điều chỉnh tại Điều 135 BLHS 1999 (nay là Điều 170 BLHS mới 2015), như sau: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù…”. Hành vi uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản, trong trường hợp này được hiểu, ông Minh buộc Tân Hiệp Phát giao một số tiền để đổi lấy sự im lặng, và đe dọa nếu không giao tiền thì sẽ làm cho uy tín bị thiệt hại. Đe dọa nằm ở lời nói trong các lần thương thảo số tiền: “sẽ tung lên báo”, “sẽ phát tờ rơi”. Những lời nói này làm cho người nắm vận mệnh tài chính của Tân Hiệp Phát lo sợ mà giao tiền. Đó chính là mục đích của người phạm tội. Đây là loại tội phạm có cấu thành hình thức, nên không phụ thuộc vào việc đã chiếm đoạt được tiền hay chưa mà chỉ cần có thủ đoạn uy hiếp thể hiện chủ yếu qua phát ngôn, là phạm t
Trở lại trường hợp bà Hà. Bà Hà cũng đòi một số tiền (hai bên thỏa thuận được là 49 triệu), nhưng không phải nhằm đổi lấy sự im lặng như ông Minh, mà nhằm đổi lại sự thiệt hại do chai nước có ruồi gây ra. Bà Hà không có những lời lẽ nhằm gây hoang mang lo sợ bị thiệt hại nặng nề cho Tân Hiệp Phát như ông Minh đã làm. Bản chất khác biệt giữa bà Hà so với ông Minh ở chỗ không có lời lẽ uy hiếp để đổi lấy sự im lặng bằng tiền. Sở dĩ bà này không có những lời lẽ gây đe dọa doanh nghiệp, được biết, đó là nhờ vào sự giải thích hướng dẫn của cán bộ Hội bảo vệ người tiêu dùng.
Đối với vụ việc ông Minh, gần đây có nhiều kiến giải, phân tích, theo hướng không cấu thành tội phạm, chẳng hạn như: Vì Tân Hiệp Phát là tổ chức nên không thể áp dụng khái niệm “uy hiếp tinh thần”; ông Minh là người tiêu dùng, có quyền khiếu nại, thương lượng nên đây chỉ là giao dịch dân sự; Cần phải làm rõ ai là người bỏ con ruồi vào chai nước mới xác định được hành vi có tội hay không; Hành vi của ông Minh là bán chai nước có ruồi không có dấu hiệu nguy hiểm cho xã hội, không cấu thành tội phạm…
Tôi cho rằng, đấy là những phân tích không đi vào bản chất cấu thành tội phạm của “Tội cưỡng đoạt tài sản”, mang tính “ngoài lề”, không thể biện minh cho hành vi phạm tội quá rõ của ông Minh. Tội này có dấu hiệu pháp lý không thuộc loại phức tạp. Bản chất tội phạm như đã nói ở trên, đổi sự im lặng lấy tiền. Vì đổi sự im lặng nên thường kèm theo lời lẽ sẽ “không im lặng” nếu không đổi. Khác với đổi sự thiệt hại lấy tiền, mang bản chất bồi thường dân sự. Mặc dù sự thiệt hại, theo cách nghĩ của người bị thiệt hại, đôi khi là rất lớn. Vì mục đích “kiếm được nhiều tiền” từ chai nước có ruồi, ông Minh đã “bước” hẳn qua ranh giới của hành vi tống tiền chứ không còn ở “địa phận” của bồi thường thiệt hại nữa.
Đứng trước hoàn cảnh bức xúc do gặp phải sản phẩm như của Tân Hiệp Phát và lòng tham về số tiền bồi thường theo tâm lý được càng nhiều càng tốt, người tiêu dùng chúng ta rất dễ bước qua ranh giới dùng lời lẽ uy hiếp nhằm nhận được nhiều tiền mà đôi khi trong thâm tâm mình vẫn nghĩ đó chỉ là quan hệ bồi thường thiệt hại. Vô hình trung, những lời lẽ uy hiếp “dẫn dắt” người đòi bồi thường bước qua lằn ranh phạm tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm TVPL TP Hồ Chí Minh - TW Hội Luật gia Việt Nam)