Các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.
Thủ đoạn tinh vi
Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm diễn biến phức tạp trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, tập trung chủ yếu tại địa bàn các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh,....
Cụ thể, trên tuyến biên giới đường bộ, các đối tượng lợi dụng địa hình hiểm trở, có nhiều đường mòn, lối tắt, sông biên giới; tổ chức tập kết hàng hóa tại khu vực giáp biên, chờ thời điểm thích hợp khi các lực lượng chức năng không tuần tra, kiểm soát vận chuyển trái phép qua biên giới; hàng hóa được tập kết vào nhà dân, khu vực chợ, trung tâm thương mại biên giới tiêu thụ; để vận chuyển về các tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh,...
Với mặt hàng thực phẩm chức năng, qua công tác kiểm tra cho thấy sai phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng, công dụng chữa bệnh; mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng, kinh doanh hàng tẩy xoá hạn sử dụng,... Đáng chú ý, qua giám định của các đợt kiểm tra cho thấy nhiều mặt hàng vi phạm về chất lượng như chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép cho vào trong thực phẩm chức năng.
Còn đối với mặt hàng mỹ phẩm, hiện trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mỹ phẩm do cá nhân tự nghĩ ra công thức, pha chế đóng gói. Các sản phẩm này được mua bán kinh doanh chủ yếu trên mạng và các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, nên công tác quản lý kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, số lượng người sử dụng những sản phẩm ở mức cao do giá thành rẻ, công dụng nhanh chóng.
Với mặt hàng dược phẩm, tình trạng xách tay các loại thuốc quý hiếm, mua bán thuốc tân dược không có hoá đơn tại các chợ trung tâm và ngay trong các quầy thuốc bệnh viện vẫn còn tồn tại.
Khó khăn chồng chất
Để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan trong sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm theo đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia, do hiện tại chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội (facebook, Zalo, Instagram,...) nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cá nhân, cơ sở kinh doanh online là rất khó khăn, đặc biệt là sự phát triển bùng nổ về mạng xã hội và thông tin như hiện nay.
Chưa kể, hệ thống thông tin của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên khó phát hiện được hàng có phép và không được phép lưu hành trên thị trường. Vì vậy công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mỹ phẩm nhiều loại, không cùng lô,...
Ngoài ra, công tác giám định chất lượng hàng hóa của các cơ quan chuyên môn còn mất nhiều thời gian, mỗi đơn vị giám định lại cho kết quả khác nhau. Vì vậy trực tiếp gây nhiều cản trở cho quá trình xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Ngoài ra, năng lực cán bộ chuyên trách làm công tác chống hàng giả còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng nhận biết, phân biệt hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Theo đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, hệ thống thông tin của Cục Quản lý dược chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên khó phát hiện được hàng có phép và không được phép lưu hành trên thị trường. Vì vậy công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mỹ phẩm nhiều loại, không cùng lô sản xuất...
Trước thực tế trên, theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, để tăng cường đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, cần phải có sự vào cuộc sát sao, quyết liệt thanh, kiểm tra của nhiều bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, Bộ Y tế cần chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện quy định, chế độ chính sách quản lý, cấp phép, công bố tiêu chuẩn chất lượng; ban hành quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu đối với mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Đồng thời, thông tin công khai về việc cấp phép của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin để lực lượng chức năng có thể tra cứu, khai thác trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.