Sản xuất, buôn bán hàng giả gia tăng chóng mặt
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn ngày càng tăng về quy mô, tinh vi về công nghệ và thủ đoạn. Bất kỳ hàng hóa nào bán chạy trên thị trường đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Cụ thể, hàng giả, hàng kém chất lượng được các đối tượng sản xuất trong nước hoặc từ nước ngoài nhập về. Hàng giả sản xuất trong nước dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó, tiếp tục lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở một nơi khác và khi có đơn đặt hàng, hàng hóa mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao cho khách hàng. Hàng giả sản xuất từ nước ngoài chuyển vào qua nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, buôn lậu vào Việt Nam để gia công, đóng gói, pha trộn, lắp ráp,... rồi đưa ra thị trường tiêu thụ
Ông Phương nói thêm, những sản phẩm phổ biến thường bị làm giả trong nước là hàng tiêu dùng thiết yếu, điện máy, phụ tùng xe, quần áo, thời trang có giá trị thường đến cao cấp), thuốc (cho người, thú y, bảo vệ thực vật), vật liệu xây dựng, phân bón...
Hàng giả sản xuất tại nước ngoài, thường là những loại hàng trong nước không sản xuất được hoặc muốn sản xuất phải mất chi phí cao như hàng điện tử, điện lạnh, phụ tùng ô tô, thiết bị viễn thông, hàng giả những nhãn hiệu nổi tiếng…
Trong 6 tháng năm 2017 tại TPHCM, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 310 vụ hàng giả, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Tang vật xử lý gồm: 3.071 đôi giày dép các loại, 56.265 đơn vị sản phẩm các loại gồm quần áo, mắt kính, đồng hồ đeo tay, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,…trị giá hàng hóa vi phạm 2,8 tỷ đồng, đã phạt tiền 1,9 tỷ đồng.
Tang vật của một vụ vận chuyển máy lọc nước giả bị cơ quan chức năng phát hiện . Ảnh: Dân trí
Về lý do khiến nạn hàng giả ngày càng phát triển, ông Nguyễn Thành Phương cho rằng đó là do sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái siêu lợi nhuận. Một sản phẩm làm giả có thể đưa lại lợi nhuận gấp 10 lần. Bên cạnh đó, do tâm lý thích hàng ngoại, ham hàng rẻ của người tiêu dùng cũng là nguyên nhân tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả có cơ hội phát triển.
Ngoài ra, việc hàng giả, hàng nhái tiếp tục gia tăng còn do công tác phối hợp của các cơ quan thực thi pháp luật chưa chặt chẽ, thường xuyên, việc cung cấp và trao đổi thông tin còn hạn chế. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động trong phòng chống hàng giả hoặc còn né tránh vì sợ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm…
Ở Hà Nội, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 thành phố, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội Chu Xuân Kiên đã báo cáo kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra đa dạng về thủ đoạn và phương thức hoạt động. Hàng lậu, hàng cấm vận chuyển theo đường dây ổ nhóm, có sự cấu kết giữa các đối tượng trong nội địa và các tỉnh biên giới để mang về tiêu thụ trong nội thành Hà Nội.
Các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa tại các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... hoặc tại một số địa bàn, tụ điểm ở khu vực ngoại thành Hà Nội chia nhỏ, rồi vận chuyển thành nhiều đợt nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Hoạt động buôn lậu diễn ra phổ biến ở một số mặt hàng thiết yếu, nhu cầu tăng cao như thuốc lá, rượu, hoa quả, nông sản, quần áo may sẵn, đồ điện tử...
Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nổi lên ở một số mặt hàng tiêu dùng, điện tử, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất trong nước và nước ngoài, sau đó tìm cách đưa vào nội địa tiêu thụ.
Lợi dụng sự thờ ơ của các doanh nghiệp trong bảo vệ hương hiệu, sản phẩm, cũng như nhận thức của người dân trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả, các đối tượng tìm mọi cách đưa hàng nhập lậu giả nhãn hiệu trong nước và các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài cung cấp ra thị trường gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng, uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 19.057 vụ, xử lý 12.162 vụ (tăng 1.033 vụ so với cùng kỳ năm 2016); khởi tố 42 vụ/48 bị can. Trong đó, lực lượng Công an xử lý 1.313 vụ; Quản lý thị trường xử lý 4.697 vụ; Hải quan xử lý 460 vụ... Qua xử lý vi phạm, các lực lượng thu nộp vào ngân sách Nhà nước 1.569,5 tỷ đồng (tăng trên 172 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016).
Ngăn chặn hàng giả, hàng lậu bằng cách nào?
Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, ông Nguyễn Thành Phương cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ sự chủ động của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và có chế tài xử lý mạnh tay đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Từ phía doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội chế biến lương thực thực phẩm TPHCM cho rằng cần đầu tư dây chuyền công nghệ mới, hiện đại, song song đó chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữa trí tuệ, sở hữu công nghiệp, các quy định về công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn… theo quy định.
Ông Nguyễn Thành Phương cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần thiết lập cầu nối với người tiêu dùng để giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức và hiểu biết về sản phẩm của doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp cũng cần quảng cáo để thông tin thường xuyên cho người tiêu dùng về sản phẩm, cách nhận biết hàng thật của mình với hàng giả để người tiêu dùng kiểm tra đối chiếu.
Để giải quyết hàng giả, hàng lậu cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có tăng cường chế tài, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Ảnh: báo Vĩnh Phúc
Để công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái 6 tháng cuối năm 2017 đạt hiệu quả cao nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 389 quốc gia yêu cầu các thành viên BCĐ 389 cùng bộ, ngành, địa phương phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục.
Phó Thủ tướng đề nghị xử lý nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; chỉ đạo đẩy mạnh điều tra cơ bản, xác lập chuyên án trinh sát để làm rõ tổ chức tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu…
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (thuộc Tổng cục Hải quan), cũng cho biết tổng cục đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ký kết nhiều quy chế, kế hoạch phối hợp giữa tổng cục và Tổng cục Cảnh sát, Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư - Tổng cục An ninh... để đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã triển khai đầy đủ, đồng bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận mại của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia....
Ngoài ra, TCHQ cũng sẽ tập trung kiểm tra các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp lớn, các mặt hàng, nhóm mặt hàng có dấu hiệu vi phạm, có mức độ rủi ro cao. Trong đó, chú trọng hoạt động kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) tại Chi cục Hải quan với trọng tâm là công tác kiểm tra trị giá, nhất là đối với mặt hàng ô tô; Phân tích, đánh giá thông tin các doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng, nhóm mặt hàng có dấu hiệu vi phạm, rủi ro cao.