Hành khách trực tiếp hỏi mua vé tại ga Sài Gòn (chụp sáng 3/11). |
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp cao điểm Tết Đinh Dậu 2017, ngành Đường sắt đã sắp xếp, bán thêm vé ghế phụ, vé ngồi, giường nằm… Tuy nhiên, nhiều hành khách cho rằng, việc làm này còn nhiều bất cập, nhất là giá vé vẫn còn quá cao.
Chê vé tàu đắt, khách đợi… ra giêng đi máy bay
Báo Giao thông gần đây nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh tình trạng bán vé phụ tràn lan dịp lễ, Tết còn nhiều bất cập của ngành Đường sắt. Em Nguyễn Thu Trang, sinh viên năm thứ hai Đại học Ngoại ngữ Tin học TP HCM gọi điện thắc mắc với PV: “Cháu đọc báo thấy còn hàng chục nghìn vé tàu Tết chưa bán nhưng khi lên mạng đặt chỗ thì không còn vé nào (?!)”.
Trao đổi thêm, Trang cho biết, em muốn mua vé ngồi cứng từ ga Sài Gòn về ga Thanh Hóa ngày 17/1/2017 (tức ngày 20/12 Âm lịch), nhưng đã hết và chỉ còn vé ghế phụ. Khi PV hỏi lại sao không mua vé ghế phụ, sinh viên này giãi bày: “Giá vé ghế phụ bằng 80% vé ghế cứng nhưng ngồi đường dài chật chội và đau người lắm. Cháu thà mất thêm vài trăm nghìn nữa, ngồi ghế chính cho đỡ khổ”, Trang nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Phương (ngụ quận 12, TP.HCM) phản ánh, chị lên mạng đặt mua 3 vé giường nằm từ ga Sài Gòn về ga Thanh Hóa vào ngày 21/1/2017 (tức 24/12 Âm lịch) nhưng không còn vé. Sau đó, chị liên lạc trực tiếp với nhân viên bán vé tại ga Sài Gòn và được các nhân viên tạo điều kiện mua vé ngồi mềm (ngồi trên giường). Vì gia đình chị có hai vợ chồng và hai cháu nhỏ nên nhân viên tư vấn nên mua một giường. Tuy nhiên, khi hỏi giá vé (khứ hồi), chị Phương “té ngửa” vì phải thanh toán tới 8 triệu 440 nghìn đồng cho cả hai chiều.
“Giá vé giường nằm tàu Tết Đinh Dậu 2017 niêm yết là 1.970.000 đồng/giường. Dựa vào đâu mà họ bán cao như vậy?”, chị Phương thắc mắc. Chị cũng cho hay, vì vé tàu Tết quá hiếm và đắt đỏ, gia đình chị quyết định không về quê ăn Tết mà đợi ra Giêng vé máy bay giá rẻ mới về.
Có mặt tại ga Sài Gòn sáng 3/11, PV được nhiều hành khách cho biết, họ trực tiếp đến ga để xem còn vé tàu Tết không. “Mua trên mạng thì hết, ra đại lý vẫn còn rất nhiều nhưng giá cao. Em đến gặp nhân viên bán vé, may ra mua được vé “mềm” hơn đại lý”, một hành khách chia sẻ.
Giá vé tàu Tết tăng 9,5%
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt (CPVTĐS) Sài Gòn cho biết: Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, nhu cầu đi lại của nhân dân tăng rất cao, trong khi khả năng đáp ứng của Tổng công ty Đường sắt VN có hạn. Vì thế, nhiều năm qua, đơn vị này đã cho phép các công ty vận tải tổ chức bán vé ghế phụ và ghế chuyển đổi vào thời gian cao điểm Tết (từ 20 - 28 tháng Chạp và từ mùng 4 - 12 tháng Giêng) để tăng thêm số chỗ và đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ vé tàu, buôn bán vé “chợ đen”, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp. Chẳng hạn như, thu phí đổi trả vé trong thời gian cao điểm là 30%. Tuy nhiên, công ty cũng đã cho phép các đơn vị trực thuộc áp dụng mức phí 5% cho những hành khách có lý do chính đáng khi cần đổi trả vé." Ông Đào Anh Tuấn |
“Do đặc điểm vận tải Tết nhu cầu đi ra Bắc trước Tết và vào Nam sau Tết tăng cao, Công ty CPVTĐS Sài Gòn và Hà Nội phải tổ chức nhiều đoàn tàu chạy rỗng đoạn từ Huế, Đà Nẵng đến Sài Gòn trước Tết và ngược lại sau Tết. Để bù lỗ chiều rỗng và điều tiết luồng khách không tập trung vào những ngày cao điểm nên công ty đã điều chỉnh giá tăng tối đa 9,5% chiều nặng và giảm 15% chiều nhẹ so với Tết năm trước. Việc kinh doanh hiện nay đều theo thị trường. Nếu mình bán cao quá, hành khách sẽ chuyển sang các phương tiện khác”, ông Tuấn nói.
Về việc vé trên mạng hết nhưng các đại lý vẫn còn nhiều, ông Tuấn lý giải: Hiện nay, tất cả vé tàu được bán công khai trên mạng và ai cũng có thể tiếp cận hệ thống bán vé này. Vé còn hay hết đều có thông tin. Các cò vé đầu cơ bằng việc dùng nhiều tên và CMND để đặt vé, sau đó liên hệ với khách, khách có nhu cầu thì sửa tên và in vé đó ra. Ngoài ra, khi hành khách đặt vé, nếu sau 72 giờ không lấy vé đó thì hệ thống sẽ tự cập nhật lại. Lợi dụng điều này, các cò vé “bao vây” và chờ cơ hội để đầu cơ.