Mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình đang dần trở thành hiện thực. Ảnh: Tiểu Thúy
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị nhân dịp lễ trọng đại này, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh bày tỏ tình yêu và tự hào với những thành tựu vượt bậc của TP.
Luật sư Nguyễn Minh Cảnh - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Minh Cảnh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh): Hạ tầng kỹ thuật ngày càng hiện đại, phát triển
Ngày 30/4/1975, khi giải phóng Sài Gòn, tôi mới 18 tuổi. Những năm đầu sau thời điểm 1975, TP có rất nhiều khó khăn do chiến tranh để lại và chịu ảnh hưởng của chính sách cấm vận, dẫn đến thiếu thốn mọi mặt từ lương thực đến thuốc thang… Nhưng chúng ta đã phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực để ổn định cuộc sống của Nhân dân.
Kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI diễn ra vào cuối năm 1986, cả nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng đã không ngừng xây dựng và phát triển. Hàng loạt công trình xây dựng mới đã làm thay đổi diện mạo TP mà nhiều năm về trước không có được.
Đó là công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hũ, kênh Nước Đen… qua đó, xóa được những khu nhà ổ chuột, dòng nước đen kịt, hôi thối đầy rác. Thay vào đó “lột xác” thành những dòng kênh xanh mát, cảnh quang thoáng đãng soi bóng những tòa chung cư cao tầng, nhiều tiện nghi. Hàng loạt xã, phường, thị trấn ở các quận, huyện ven nội thành đã được điện khí hóa, trường học, trạm y tế, bệnh viện, đường sá…., mọc lên khang trang trong giai đoạn này.
Trong công cuộc đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã cùng cả nước làm bạn với các nước trên thế giới. Chúng ta có được sự hợp tác về kinh tế, văn hóa trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt được nhiều thành tựu, mức sống của đại bộ phận người dân năm sau cao hơn năm trước. Hạ tầng kỹ thuật được hình thành hiện đại và phát triển với tốc độ khá nhanh và tráng lệ. 47 năm qua, tôi được hưởng không khí hòa bình và thêm yêu TP nơi mình được sinh ra, lớn lên, cống hiến cho đến nay là cán bộ hưu trí ở tuổi 65.
Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam - TP Hồ Chí Minh: Đời sống các mặt của tôn giáo được cải thiện tốt
47 năm qua, cùng với sự phát triển vượt trội về kinh tế - xã hội, TP Hồ Chí Minh đã luôn đồng hành cùng Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Thông qua các chính sách tôn giáo đổi mới của Đảng, Nhà nước, TP Hồ Chí Minh đã quan tâm, chăm lo tới mọi mặt đời sống của đồng bào các tôn giáo, trong đó có đồng bào Công giáo. Các sinh hoạt tôn giáo lớn như đại hội, hội nghị và vào các ngày lễ trọng đại luôn được các cấp chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi
Nhờ đó, đồng bào Công giáo TP Hồ Chí Minh ngày càng yên tâm, tin tưởng, hăng hái thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động. Qua đó góp phần đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ni sư Thích nữ Diệu Thành - Trụ trì chùa Vĩnh Xương, quận 3 (TP Hồ Chí Minh): Tự hào là trung tâm kinh tế của cả nước
Là công dân của TP mang tên Bác Hồ kính yêu, không chỉ riêng tôi mà hàng triệu người dân đều được chứng kiến sức sống mới, sự nỗ lực phát triển của TP suốt chặng đường 47 năm qua.
Từ chỗ thiếu thốn phải ăn độn, xếp hàng mua lương thực (bánh mì) theo tem phiếu đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có thể tự hào là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước và khu vực.
Tôi giác ngộ cách mạng từ khi còn rất nhỏ, làm liên lạc, đưa tin với ước nguyện đất nước sớm có ngày hòa bình, ổn định để phát triển. 47 năm qua được hưởng không khí hòa bình, độc lập, là tu sĩ bản thân luôn phấn đấu thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, chung tay xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh.
Bà Bùi Thị Thanh Tú (Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP Hồ Chí Minh): Thành phố đổi thay vượt bậc
Khi Sài Gòn giải phóng, tôi mới 13 tuổi. Lúc đó TP còn ngổn ngang. Tuy nhiên, kể từ khi đất nước tiến hành đổi mới, đời sống người dân thay đổi vượt bậc. Đại bộ phận người dân không còn thiếu đói, các vật dụng sinh hoạt như tivi màu, tủ lạnh, xe gắn máy, điện thoại để bàn… hiện diện nhiều hơn trong các gia đình.
Sau năm 1990, nhiều khu vực nông thôn dần trở thành đô thị, cảm nhận của tôi lúc đó là cuộc sống thay đổi từng ngày. Đến ngày hôm nay, chúng ta có thể nhận thấy rõ nhất ở khu vực bến Bạch Đằng rất sạch sẽ, khang trang, không còn cảnh nhếch nhác như xưa, rất nhiều tòa nhà chọc trời mọc lên.
Khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh là hàng loạt khu dân cư cao cấp, cầu Thủ Thiêm nối với quận 2 (nay là TP Thủ Đức). Hàng loạt khu dân cư mới ra đời trên những mảnh đất vốn là đồng lúa ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Hàng loạt tòa chung cư cao tầng, khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở quận 7, huyện Nhà Bè mọc trên vùng đất vốn dĩ trước kia là đầm lầy, bãi bồi… Nhiều nơi trong nội thành của TP, thậm chí nếu bây giờ đi còn bị lạc vì sự phát triển, thay đổi đến chóng mặt.
Ngoài những công trình giao thông tại TP như cầu Phú Mỹ (nối quận 7 với TP Thủ Đức), cầu Thủ Thiêm (nối quận 1 với TP Thủ Đức), TP Hồ Chí Minh vừa tiếp tục khánh thành các công trình lớn, như: Cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 với TP Thủ Đức); Tỉnh lộ 9 ở huyện Hóc Môn; đường song hành với đại lộ Võ Văn Kiệt.
Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang dần hoàn thiện, tuyến đường Vành đai 3 cũng đã được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua bằng nghị quyết. Có lẽ một hoặc hai năm sau, có dịp đi qua những công trình nêu trên, tôi chắc rằng chúng ta không ai không tự hào về sự đổi thay của TP Hồ Chí Minh.